Trong tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, mặc dù miền Bắc và miền Trung mới bắt đầu có dấu hiệu nắng nóng nhưng thực tế sản lượng điện đã tăng cao.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo, trong các tháng 6, 7 tiếp theo, miền Bắc bước vào cao điểm nắng nóng, phụ tải hệ thống điện quốc gia tiếp tục có xu hướng tăng và cao hơn kế hoạch. Với tình hình thủy văn và tiến độ đưa vào các dự án nguồn điện mới còn chậm…, miền Bắc có khả năng thiếu hụt hàng nghìn MW điện trong mùa nóng này.
Hàng chục hồ thủy điện cạn nước
Tại văn bản 2187/EVN-KTSX+TTĐ báo cáo tình trạng nguy cấp về cung ứng điện gửi Bộ Công Thương, EVN cho biết, hiện nay, diễn biến thủy văn không thuận lợi, các hồ khu vực miền Bắc tiếp tục có nước về kém, lưu lượng nước về 4 tháng đầu năm nay chỉ bằng khoảng 70 – 90% so với trung bình nhiều năm. Một số hồ khu vực miền Trung và miền Nam cũng có nước về kém như Đại Ninh, Trị An, Đak R’Tih, Sông Côn 2…
Tính đến ngày 24/4, nhiều hồ thủy điện trên hệ thống đã về mực nước thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh cung cấp điện và phục vụ nhu cầu dân sinh trong thời gian còn lại của mùa khô 2023. Cụ thể: có 9 hồ đã về xấp xỉ hoặc dưới mực nước chết với tổng công suất khoảng 3.000 MW. Bên cạnh đó, đã có 18 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20%; 18 hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa có mực nước thấp hơn quy định; 22/31 hồ chứa vi phạm mực nước giới hạn trong 2 tuần liên tiếp.
Sản lượng còn lại trong hồ toàn hệ thống là 4,5 tỷ kWh, thấp hơn 1,6 tỷ kWh so với kế hoạch, thấp hơn 4,1 tỷ kWh so với cùng kỳ năm 2022.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hiện tượng El Nino sẽ xảy ra vào các tháng cuối năm 2023 làm cho nền nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm thấp so với trung bình nhiều năm. Điều này làm cho lưu lượng về hồ các tháng cuối năm tiếp tục có xu hướng giảm thấp.
Không chỉ thiếu nước cho phát điện, mà việc cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy điện than, điện khí cũng gặp khó khăn. Hiện khả năng cung cấp của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc (TCT Đông Bắc) là 46 triệu tấn, thấp hơn so với Biểu đồ cấp than cho sản xuất điện năm 2023 đã được phê duyệt tại Quyết định số 163/QĐ-BCT ngày 06/02/2023 là hơn 6 triệu tấn. Riêng với các nhà máy của EVN là thiếu 1,3 triệu tấn.
Việc mua than bổ sung cho lượng than do TKV và TCT Đông Bắc không cung cấp được gặp nhiều khó khăn do hạn chế của thị trường và cơ sở hạ tầng tiếp nhập than nên đã xảy ra tình trạng thiếu than tại các nhà máy trong một vài thời điểm.
Về nhiên liệu khí, theo thông báo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam/Tổng công ty Khí Việt Nam, khả năng cấp khí trong năm 2023 tiếp tục xu hướng giảm so với các năm trước do một số mỏ chính bước vào thời gian suy giảm. Sản lượng dự kiến năm 2023 là 5,6 tỷ m3, thấp hơn so với năm 2022 là 1,31 tỷ m3. Bên cạnh đó, một số mỏ khí đã có thời gian khai thác lâu, thường xuyên xảy ra sự cố, càng làm cho việc cung cấp khí cho sản xuất điện trở nên khó khăn.
Các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió các tháng 5, 6, 7 cũng được dự báo có thể thấp hơn năm 2022, càng về cuối giai đoạn mùa khô khả năng phát có xu hướng càng giảm, đặc biệt là các cao điểm tối hàng ngày.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhận định, trong trường hợp các tình huống cực đoan xảy ra như: Công suất điện tại miền Bắc tăng trưởng 15% so với cùng kỳ năm 2022 (những ngày nắng nóng kéo dài); sự cố tổ máy hoặc chậm tiến độ sửa chữa, đưa vào vận hành nguồn mới; mức nước của các hồ thủy điện lớn giảm sâu… thì hệ thống điện miền Bắc sẽ gặp tình trạng không đáp ứng được phụ tải đỉnh trong các tháng 5, tháng 6 với công suất thiếu hụt lớn nhất ước tính lên tới khoảng 1.600 – 4.900 MW.
Giải pháp nào để đảm bảo điện?
Theo kế hoạch, năm 2023, EVN sẽ huy động tối ưu các nguồn thuỷ điện miền Bắc, kết hợp tăng cường truyền tải tối đa từ miền Trung ra Bắc, điều tiết nâng và giữ mực nước bằng mực nước kế hoạch đến cuối tháng 5/2023 để nâng công suất khả dụng cho các nhà máy thủy điện.
Cùng đó, tăng cường kiểm tra, củng cố, khắc phục các khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy, khả dụng các tổ máy phát điện, các đường dây/trạm biến áp truyền tải; phối hợp với các đơn vị cung cấp nhiên liệu trong nước để có phương án cung cấp đủ nhiên liệu cho phát điện.
EVN cũng sẽ dịch chuyển giờ cao điểm các nguồn thủy điện nhỏ theo hướng dẫn của Bộ Công Thương. Đồng thời tăng cường đàm phán mua điện từ nước ngoài. Đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp, Tập đoàn sẽ tiếp tục đàm phán và thống nhất mức giá tạm thời để vận hành cho đến khi hai bên thoả thuận đươc̣ mức giá điện chính thức nhằm kịp thời khai thác cung cấp cho hệ thống điện.
Tuy vậy, đại diện EVN cho rằng, bên cạnh các giải pháp về nguồn thì việc tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả là giải pháp rất quan trọng để đảm bảo đủ điện trong các đợt cao điểm nắng nóng.
Tập đoàn tiếp tục lập phương án thực hiện chương trình điều chỉnh phụ tải, đẩy mạnh thực hiện điều chỉnh phụ tải tự nguyện phi thương mại tại khu vực phía Bắc trong các tháng 5 đến tháng 8.
Đại diện lãnh đạo Tập đoàn cũng cho biết, để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho EVN, EVN kính đề nghị Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo PVN, TKV và TCT Đông Bắc đảm bảo cung cấp đủ than, khí ổn định, ưu tiên cấp khí cho phát điện, đảm bảo vận hành ổn định các tổ máy nhiệt điện. Đồng thời sớm có ý kiến đối với các kiến nghị của EVN tại văn bản số 1499/EVNTTĐ+TCKT ngày 30/3/2023 liên quan đến nguyên tắc xác định giá điện đối với các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp.
Về lâu dài, cần có cơ chế phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và bổ sung quy hoạch các nguồn điện năng lượng tái tạo tại khu vực miền Bắc để đảm bảo cung ứng điện trong các năm tiếp theo. Có cơ chế khuyến khích ngay việc phát triển các nguồn điện mặt trời mái nhà tại miền Bắc với mục đích tự tiêu thụ cho nhu cầu phụ tải tại chỗ…
Đức Dũng