Theo Phó Thống đốc, ngân hàng tập trung làm sạch, số hóa những dữ liệu đã có, dùng công nghệ để tạo ra dữ liệu sạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Với mục đích thúc đẩy chuyển đổi số và khung pháp lý cho công tác ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng, hội thảo và triển lãm Smart Banking 2023 được diễn ra với chủ đề “Tạo lập, khai thác và kết nối dữ liệu: Định hình tương lai ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số” sáng 6/10.
Phát biểu khai mạc, ông Trần Văn Tần – Phó Chủ tịch hội đồng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, dữ liệu là tài sản quý giá. Bằng cách thu thập, phân tích và ứng dụng thông tin từ các nguồn dữ liệu khác nhau, ngân hàng có thể hiểu rõ hơn về khách hàng cũng như dự đoán xu hướng thị trường và tối ưu hóa quy trình kinh doanh.
Các công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (Machine Learning) và phân tích dữ liệu lớn (Big Data Analytics) đã mang đến khả năng phân tích dữ liệu một cách chi tiết và nhanh chóng. Những công nghệ hiện đại này giúp tạo ra những thông tin giá trị và hỗ trợ doanh nghiệp đưa ra các quyết định kinh doanh phù hợp nhất.
Cụ thể, các ngân hàng có thể tăng cường việc tiếp cận khách hàng, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có tính cá nhân hóa cao, đồng thời tối ưu hóa quy trình phát hiện rủi ro và phòng ngừa gian lận, cải thiện quy trình vay và xử lý hồ sơ vay vốn và tăng cường khả năng dự đoán và phân tích thị trường.
Bên cạnh đó, toàn ngành đã tập trung làm sạch toàn bộ 51 triệu dữ liệu khách hàng tại Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam và các tổ chức tín dụng, đảm bảo 100% dữ liệu khách hàng được xác minh với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Tuy nhiên trong quá trình áp dụng các mô hình mới dựa trên công nghệ hiện đại, ngành ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có việc duy trì sự cân bằng giữa khai thác và bảo vệ dữ liệu.
Tại hội thảo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng nhấn mạnh: “Các ngân hàng tập trung làm sạch, số hóa những dữ liệu đã có và phải dùng công nghệ để tạo ra dữ liệu sạch trong quá trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng.
Trong quá trình khách hàng thực hiện giao dịch, các ngân hàng phải ứng dụng dữ liệu để đảm bảo người thực hiện giao dịch là người đã đăng ký dịch vụ. Ngân hàng Nhà nước sẽ luôn luôn đồng hành cùng các ngân hàng trong việc tạo dựng cơ sở pháp lý để các ngân hàng phát triển sản phẩm, dịch vụ của mình”.
Đồng thời, ngăn chặn tình trạng lợi dụng tài khoản ngân hàng để thực hiện các giao dịch bất hợp pháp. Phó Thống đốc cũng đề nghị Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia CIC cung cấp thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ để giúp các ngân hàng đánh giá được khả năng trả nợ của khách hàng.
Về hạ tầng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã cung cấp hai hạ tầng cơ bản là thanh toán, CIC… Bên cạnh phát triển dịch vụ, các ngân hàng cũng phải đảm bảo sự hoạt động liền mạch, liên tục của hệ thống và đảm bảo an ninh, an toàn. Toàn ngành ngân hàng đang tích cực triển khai Đề án 06 để ngày càng cung cấp tốt hơn dịch vụ cho khách hàng, đảm bảo dữ liệu “đúng đủ sạch”.
Nhằm định hướng các giải pháp để khai thác hiệu quả dữ liệu số và đảm bảo an ninh an toàn, ông Phạm Anh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước có kiến nghị, ngành ngân hàng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, khung khổ pháp lý.
Bên cạnh đó cũng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch phối hợp triển khai số 01 giữa Bộ Công an và Ngân hàng Nhà nước trong việc ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch dữ liệu, xác thực trực tuyến, tối ưu quá trình cho vay bằng các giải pháp chấm điểm tín dụng…
Tiếp tục nâng cấp phát triển hạ tầng công nghệ phục vụ chuyển đổi số như hạ tầng Thanh toán điện tử liên ngân hàng, Chuyển mạch tài chính và Bù trừ điện tử; hạ tầng thông tin tín dụng CIC;…
Ứng dụng công nghệ để phát triển sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số tiện lợi, chi phí thấp; nâng cấp, mở rộng kết nối mở rộng hệ sinh thái số lấy khách hàng làm trung tâm. Cuối cùng, tăng cường công tác đào tạo và tuyên truyền, giáo dục tài chính cho người dân; Bố trí nguồn lực phục vụ cho chuyển đổi số.
Phạm Hồng Nhung