Home Ấn tượng 24H Nhận diện rủi ro ngành ngân hàng qua lát cắt tín dụng

Nhận diện rủi ro ngành ngân hàng qua lát cắt tín dụng

0
Tổng dư nợ tín dụng bất động sản hiện lên đến trên 23% tổng dư nợ tín dụng, tương đương khoảng trên 66 tỷ USD. Trong đó, dư nợ tín dụng đối với khách mua nhà tăng 35%, trong khi dư nợ tín dụng đối với chủ đầu tư đã tăng gấp đôi trong năm 2018. Việc tăng trưởng nóng ở phân khúc tín dụng này đã khiến Ngân hàng Nhà nước lo ngại, nhất là đối với các khoản cho khách mua nhà vay.

Chia sẻ tại hội thảo “TTCK Việt Nam 2019: Góc nhìn võ mô và triển vọng lợi nhuận doanh nghiệp” vừa được VietinBank Securities tổ chức mới đây, giới chuyên gia đã đưa ra nhiều “lát cắt” đáng chú ý về hoạt động tín dụng, cho thấy phần nào những rủi ro lớn ngành ngân hàng đang đối mặt.

Đầu tiên phải kể đến việc dư nợ tín dụng giảm tốc liên tục trong các năm gần đây, cả về dư nợ tín dụng cá nhân lẫn dư nợ tín dụng doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc Fiin Group cho hay tăng trưởng tín dụng đã giảm tốc trong 3 năm gần đây, trong đó dư nợ tín dụng cá nhân cũng giảm tốc sau thời gian tăng mạnh cùng với tín dụng tiêu dùng (bao gồm cả cho vay mua nhà và cho vay mua ô tô).

Dữ liệu của Fiin cho thấy, năm 2015, tăng trưởng tổng dư nợ tín dụng lên đến 27,8% thì sang năm 2016 đã giảm xuống còn 22,5%, tiếp tục giảm xuống 20,1% trong năm 2017 và đến năm 2018 thì giảm còn 14,4%.

Trong đó, tăng trưởng dư nợ tín dụng cá nhân giảm lần lượt từ mức 43,3% (năm 2015) xuống 29,2% (năm 2016), giảm tiếp xuống 27% (năm 2017) và xuống còn 22,5% (năm 2018).

Với dư nợ tín dụng doanh nghiệp, mức tăng trưởng lần lượt là 21,2% (năm 2015), 19,1% (năm 2016), 16,3% (năm 2017) và 9,6% (năm 2018). Thậm chí theo ông Thuân, nếu hạch toán chính xác thì mức tăng trưởng dư nợ tín dụng doanh nghiệp còn thấp hơn nhiều con số 9,6%.

Lãnh đạo Fiin Group dự kiến dư nợ tín dụng sẽ tiếp tục giảm tốc trong năm 2019

“Lát cắt” thứ hai, rất đáng chú ý, là về tín dụng bất động sản.

Theo số liệu từ Fiin, dư nợ tín dụng kinh doanh bất động sản hiện chiếm 11,05% tổng dư nợ, trong khi dư nợ tín dụng tiêu dùng cho mục đích mua và sửa chữa nhà ở chiếm 12,04% tổng dư nợ.

Như vậy, tổng dư nợ tín dụng bất động sản hiện lên đến trên 23% tổng dư nợ tín dụng, tương đương khoảng trên 66 tỷ USD.

Về tốc độ tăng trưởng, trong năm 2018, dư nợ tín dụng đối với khách mua nhà (Home Buyers) đã tăng 35%. Trong khi đó, dư nợ tín dụng đối với chủ đầu tư (Developers) đã tăng gấp đôi.

Việc tăng trưởng nóng ở phân khúc tín dụng bất động sản, theo ông Thuân, đã khiến Ngân hàng Nhà nước lo ngại, nhất là đối với các khoản cho khách mua nhà vay.

“Có những dự án ngân hàng phát hiện ra là cho vay cả chủ đầu tư, cả người vay mua nhà. Một tài sản bị thế chấp cho hai khoản vay”, Tổng giám đốc Fiin Group dẫn chứng một hiện tượng chứa đựng rủi ro.

Sự lo ngại này là nguyên nhân quan trọng khiến Ngân hàng Nhà nước đề xuất áp dụng hệ số rủi ro 150% cho khoản cho vay cá nhân phục vụ nhu cầu đời sống có số dư nợ gốc từ 3 tỷ đồng trở lên.

Theo Tổng giám đốc Fiin Group, thông tư này dự kiến sẽ ảnh hưởng lớn đến khối ngân hàng bán lẻ, cụ thể là mảng tín dụng tiêu dùng cho vay mua nhà, bởi các ngân hàng có dư nợ cho vay mua nhà lớn sẽ phải cân đối lại hệ số an toàn vốn thông qua biện pháp thắt chặt cho vay.

Ở một “lát cắt” khác, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chia sẻ về khả năng thắt chặt tín dụng trong bối cảnh nền kinh tế chịu áp lực từ lạm phát.

Cụ thể, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định năm nay, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ không được êm đẹp như năm ngoái.

“Năm ngoái, giá điện không tăng. Đến năm nay, cuối quý I là tăng giá điện vì cả một năm không tăng rồi. Nếu đợi thêm nữa mà lạm phát tăng thì không còn cơ hội tăng giá điện”, Viện trưởng VEPR lý giải về động thái tăng giá điện gần đây của Chính phủ.

Theo ông Thành, việc giá điện tăng, giá xăng tăng sẽ “lan tỏa” sang giá tiêu dùng. Khi đợt tăng giá xuất hiện và hình thành thì người dân bắt đầu lo ngại, lạm phát kỳ vọng sẽ xuất hiện. Lúc đó Ngân hàng Nhà nước buộc phải thắt chặt tiền tệ, phải xử lý vấn đề lạm phát không thì sẽ tăng tiếp.

“Như cách làm hiện nay thì đầu tiên sẽ thắt chặt tín dụng”, ông Thành nêu quan điểm. Tuy nhiên, vị viện trưởng này cho hay có thể cơ quan quản lý sẽ không thắt chặt đột ngột vì có thể gây ra những cú sốc.

Theo Minh Tâm/VietNamFinance