Home Chứng khoán Nhiều công ty chứng khoán báo lỗ vì tự doanh

Nhiều công ty chứng khoán báo lỗ vì tự doanh

0

Thị trường biến động tiêu cực khiến doanh thu mảng tự doanh của toàn ngành chứng khoán đều đi lùi, thậm chí một số công ty đang phải gồng lỗ cả trăm tỷ đồng.

Năm 2022 với những biến động không mấy tích cực trên thị trường chứng khoán, cùng hàng loạt thông tin căng thẳng về địa chính trị, lạm phát, tỉ giá đã khiến hiệu suất tăng trưởng của VN-Index âm đến hơn 30%, trở thành một trong những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất trong khu vực.

Tổng cộng sau một năm, VN-Index đã rớt mất 491,19 điểm, tương đương bốc hơi 32,7% trong khi cả năm 2021 tăng gần 36%. Còn trên sàn Hà Nội, HNX-Index giảm mạnh hơn khi mất đến 268,68 điểm, tương ứng giảm 56,7% so với cuối năm trước.

Không chỉ giảm về mặt điểm số, thanh khoản thị trường cũng có sự đi xuống rõ rệt. Giá trị giao dịch trong phiên cuối cùng của năm 2022 chỉ bằng 25% so với giá trị giao dịch phiên cuối cùng của năm 2021 với trị giá hơn 31.000 tỷ đồng. Nhà đầu tư chứng khoán đã có một năm buồn khi nhiều cổ phiếu lao dốc. Thậm chí rất nhiều mã đã giảm 50 – 60% và vẫn chưa hồi phục trở lại.

Thị trường chứng khoán biến động tiêu cực làm cho kết quả kinh doanh của nhóm công ty chứng khoán sụt giảm mạnh. Tổng hợp từ báo cáo tài chính quý IV/2022, hầu hết các công ty chứng khoán đều ghi nhận mức lỗ trong quý IV, có nơi còn tăng trưởng âm.

Thống kê của Người Đưa Tin từ 20 công ty chứng khoán cho thấy lợi nhuận sau thuế của các đơn vị này đến hết năm 2022 vào khoảng 6.663 tỷ đồng, giảm gần 40% so với kết quả năm 2021 là 10.974 tỷ đồng.

Chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu các doanh nghiệp này là hoạt động tự doanh. Mảng tự doanh bao gồm tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) và các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS).

Trong đó, phần lãi FVTPL và HTM ghi nhận vào kết quả kinh doanh còn lãi AFS hạch toán vào vốn chủ sở hữu nên không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh hàng quý. Tuy nhiên, khoản mục này giúp các công ty chứng khoán điều tiết lợi nhuận từ việc chuyển các khoản đầu tư từ AFS sang FVTPL.

Tự doanh chứng khoán từng là nghiệp vụ hái ra tiền của các công ty chứng khoán trong năm 2021, tuy nhiên, trong bối cảnh thị trường rớt mạnh, nhiều công ty báo doanh thu lợi nhuận lao dốc chủ yếu cũng bởi do đầu tư cổ phiếu thua lỗ.

Có chiến lược đầu tư tốt nhất đem về khoản lãi tự doanh quý IV/2022 lớn nhất chính là Chứng khoán SSI. Cụ thể, SSI ghi nhận lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) giảm hơn 30% xuống 526 tỷ đồng. Trong khi đó, lỗ từ các tài sản tài chính FVTPL đạt 196 tỷ đồng, chi phí hoạt động tự doanh là 13,7 tỷ đồng, như vậy nghiệp vụ tự doanh mang lại 315,7 tỷ đồng SSI, giảm mạnh so với con số của năm 2021.

Trong con số lỗ, SSI ghi nhận khoản đầu tư tốn kém nhất trong quý IV vừa qua chính là cổ phiếu HPG, giá trị hiện tại đã giảm hơn 2 tỷ đồng còn 17,8 tỷ đồng so với thời điểm mua vào. Ngoài HPG, SSI còn đang gánh lỗ tại cổ phiếu các cổ phiếu SGN, FPT, VPB và một số cổ phiếu khác.

Cùng có lãi tự doanh trong chính là Chứng khoán VNDirect với khoản lãi FVTPL đạt 1.231 tỷ đồng, tuy nhiên mức lỗ FVTPL lại lên tới 1.142 tỷ đồng, khấu trừ chi phí tự doanh, công ty chỉ mang về được 82 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi tự doanh đạt tận 600 tỷ đồng. Ngoài tự doanh, việc phải chịu chi phí lãi vay tăng cao cũng gây áp lực cho doanh thu, lợi nhuận của VNDirect.

Trong top 10 CTCK có lãi tự doanh lớn nhất quý IV/2022, hầu hết đều nắm giữ tỉ trọng lớn trái phiếu. Đơn cử là Chứng khoán VPBank nắm giữ hơn 7.227 tỷ đồng trái phiếu chưa niêm yết, Chứng khoán TP.HCM (HSC, HCM) nắm giữ hơn 1.201 tỷ đồng trái phiếu niêm yết, Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) sở hữu gần 2.000 tỷ đồng trái phiếu,… Riêng chứng khoán VNDirect còn hơn 8.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trong danh mục.

Ngược lại, bên phía lỗ tự doanh, Chứng khoán APEC (APS) là CTCK lỗ tự doanh nặng nhất trong quý IV/2022, theo đó công ty lỗ tới 192,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 522,5 tỷ đồng, khoảng cách quá xa. Trong đó, danh mục của APS chủ yếu gồm các cổ phiếu API, IDJ và CEO đều đang chịu mức giảm hơn 20% thị giá so với thời điểm công ty mua vào.

Chứng khoán VIX cũng không khác biệt khi chịu chung tình hình sụt giảm của thị trường, dẫn tới nghiệp vụ tự doanh của công ty lỗ 85,7 tỷ đồng. Mục cổ phiếu niêm yết tại thời điểm cuối kỳ đã giảm gần 10% so với giá gốc mua vào.

Điểm chung tại top công ty lỗ tự doanh này là chủ yếu mức giảm đến từ danh mục cổ phiếu niêm yết tại thời điểm cuối năm 2022.

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) đang nắm 667,71 tỷ đồng cổ phiếu niêm yết và chịu lỗ gần 45% với danh mục này. Đối với Chứng khoán APG, cổ phiếu niêm yết chiếm tỉ trọng lớn nhất trong danh mục tài sản FVTPL của công ty, đạt gần 522 tỷ đồng theo giá gốc, tuy nhiên lỗ 37% so với thời điểm mua vào.

Danh mục cổ phiếu của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) hầu hết đều giảm tới 30-50% so với giá trị khi mua vào, mức lỗ lớn nhất ghi nhận ở các cổ phiếu dòng ngân hàng TCB, CTG, ACB.

Phạm Hồng Nhung

Link nguồn