Tổng cộng 25 công ty chứng khoán có số dư cho vay lớn nhất đạt 44.763 tỷ đồng – tăng hơn 3.000 tỷ so với cuối quý 2 nhưng vẫn thấp hơn con số 47.000 tỷ đồng của cuối quý 1.
Theo thống kê, các công ty chứng khoán có thị phần lớn cũng là những công ty có dư nợ cho vay lớn nhất: dẫn đầu lần lượt là SSI, HSC, VCSC và VNDirect.
Dẫn đầu là SSI với hơn 5.400 tỷ, tiếp đến là HSC: 4.300 tỷ, VCSC: 4.070 tỷ và VNDirect với gần 3.400 tỷ đồng. 3 công ty khác có dư nợ trên 2.000 tỷ gồm MBS, SHS, Mirae Asset cùng 10 công ty khác có dư nợ trên 1.000 tỷ.
Những công ty đứng cuối trong danh sách có dự nợ hơn 400 tỷ đồng. Ngoài Top 25 này, dư nợ cho vay của các công ty còn lại khá nhỏ, chỉ từ vài chục tỷ đến 200 tỷ đồng.
Chứng khoán SSI (SSI) vừa công bố BCTC quý 3/2018, trong đó doanh thu hợp nhất đạt 894 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 469 tỷ đồng – tăng lần lượt 28,3% và 92% so với quý 3/2017. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, Công ty ghi nhận doanh thu hợp nhất 3.037 tỷ đồng, tăng trưởng 52% và đạt 89% kế hoạch; lợi nhuận trước thuế đạt 1.355 tỷ đồng, tăng trưởng 38,4% và đạt 84% kế hoạch.
Trước đó, SSI bố BCTC riêng quý 3/2018 với doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 959 tỷ đồng – tăng 53% và 542 tỷ đồng – tăng 227% so với quý 3/2017.
Lý giải việc dư nợ cho vay tại thời điểm cuối quý 1 rất cao do đây là thời kỳ chứng khoán Việt Nam vẫn đang trong đà đi lên (VN-Index lập đỉnh vào tuần đầu tháng 4).
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như thế giới trong tháng 10 ghi nhận sự sụt mạnh, điều này đã tác động đến phần lớn nhà đầu tư giảm vay nợ.
Bên cạnh những công ty dư nợ cho vay lên xuống theo biến động của thị trường thì vẫn có một số công ty có dư nợ tăng đều qua mỗi quý như Mirae Asset, FPTS, TCBS…
Theo Minh Anh/Thương Gia