Kết thúc phiên 18/11, VN-Index đảo chiều sang sắc xanh khi toàn sàn có 268 mã tăng, 176 mã giảm, 70 mã đứng giá. Thanh khoản khớp lệnh sàn HOSE ở mức khá cao, đạt 11.517 tỷ đồng với 833 triệu cổ phiếu được giao dịch.
Trong tuần qua, nhà đầu tư đã có lúc hoảng loạn bán tháo sau chuỗi ngày VN-Index lầm lũi đi ngược với diễn biến tích cực của các thị trường lớn trên thế giới. Trong khi thị trường chờ đợi một đợt xả hàng mạnh trong phiên chiều 18/11 thì lực cầu lại dâng cao và kéo ngược giá phục hồi.
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận chuỗi giao dịch tương đối tích cực khi chỉ số VN-Index tăng 1,55%. Tuy nhiên vẫn có một số cổ phiếu đi ngược lại với thị trường chung với mức giảm rất sâu, thậm chí “nằm sàn” cả tuần.
Cuối phiên sáng 18/11, VN-Index chỉ có 97 mã tăng, 310 mã giảm, nhưng kết phiên chiều là 268 mã tăng,176 mã giảm. Số mã kịch trần cũng tăng từ 12 lên 56 mã.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, HNX-Index tăng 3,01 điểm, tương đương 1,6% lên 190,87 điểm. Toàn sàn có 116 mã tăng, 65 mã giảm và 48 mã đứng giá. UPCoM-Index tăng 0,61 điểm lên 67,15 điểm. Riêng rổ VN30 ghi nhận 13 mã giảm, 13 mã giữ được sắc xanh.
Đặc biệt, nhóm bất động sản có nhiều mã cổ phiếu kịch trần như CLG, CEO, HDC, ITC, TDH, NLG, HAG, QCG, DRH, DXS, LDG, DXG… Trong khi đó, nhiều mã lớn vẫn nằm sàn như NVL, PDR. Nhóm cổ phiếu ngân hàng có EIB kịch trần, LPB, PGB, NVB, VBB, SGB tăng trên 2% nhưng TCB, TPB, CTG, HDB cũng giảm hơn 1%.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhịp tăng của thị trường đã chậm lại trước áp lực chốt lời ngắn hạn với trạng thái giằng co mạnh giữa cung và cầu. Tuy nhiên, thị trường vẫn giữ được tâm lý tích cực, thể hiện qua VN-Index và VN30-Index đóng cửa tăng nhẹ và dòng tiền đang có nỗ lực hấp thụ nguồn cung.
Theo VnEconomy, tùy vào khả năng chấp nhận rủi ro, việc thị trường rung lắc giai đoạn này có thể canh mua dần giá thấp. Biên độ tăng lớn tạo điều kiện trading trong ngày, nhưng tổng thể vị thế hoặc là giữ nguyên, hoặc là mua ròng.
Thị trường sẽ còn nhiều nhịp rung lắc mạnh, vừa để giũ hàng, vừa tạo điều kiện để giảm giá vốn. Điều quyết định cuối cùng vẫn là mức giá vốn trung bình của một vị thế là bao nhiêu.
Trong khi đó, theo nhóm phân tích Công ty Chứng khoán BVSC, nhịp tăng điểm hiện tại của thị trường mới chỉ là nhịp hồi phục kỹ thuật.
Do đó, nhà đầu tư chủ động bán chốt lời các vị thế đã mua dò đáy, hoặc giảm dần tỷ trọng cổ phiếu khi thị trường tiếp tục tăng điểm mạnh. Các hoạt động mua chỉ nên xem xét thực hiện khi VnIndex kiểm định lại vùng 900-910 điểm hoặc sâu hơn.
Thông tin từ Công ty Chứng khoán VCBS cho thấy, ở góc nhìn kỹ thuật, tại đồ thị tuần, MACD histogram khung ngày đã bắt đầu chuyển từ âm sang dương trong khi chỉ báo RSI khung ngày đã thoát khỏi vùng quá bán.
Nhóm các chuyên gia phân tích cho rằng vùng điểm số hiện tại 900 – 1.000 điểm của VN-Index có thể đem lại hy vọng thị trường sẽ ngừng đà giảm và bắt đầu chu kỳ tích lũy, hồi phục trở lại.
Như vậy, nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp phục hồi hiện tại của thị trường để giao dịch “lướt sóng” ngắn hạn với các cổ phiếu vừa bước vào nhịp phục hồi trong một vài phiên vừa qua. Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng cần cẩn trọng bám sát diễn biến giá trong phiên để kịp thời hạ tỷ trọng cổ phiếu.
Nguyễn Luận
Link nguồn