“Theo dự báo của Tư vấn Pháp (ADPi), Tân Sơn Nhất sẽ có 53 triệu hành khách năm 2021 và trên 78 triệu hành khách năm 2025. Trong khi đó, nhà ga T3, Tân Sơn Nhất nếu làm nhanh phải đến 2022 mới đưa vào sử dụng, còn sân bay Long Thành phải đến năm 2025 hoặc lâu hơn nữa. Trong khi không phải tốn kém nhiều, chúng ta có thể sớm xây dựng cụm cảng Tân Sơn Nhất – Biên Hoà để đem lại hiệu quả ngay tức thì”, TS Nguyễn Thiện Tống chia sẻ
Tân Sơn Nhất “gánh” 90% lượng khách khu vực Nam bộ
Cũng theo TS Nguyễn Thiện Tống, hiện khu vực Nam bộ đang có 6 sân bay dân sự là Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Côn Đảo, Cà Mau, Rạch Giá. Trung bình trong 5 năm qua, lượng hành khách hàng năm qua khu vực này chiếm 44% của cả nước (riêng Tân Sơn Nhất chiếm trên 90% của vùng Nam bộ và 40% của cả nước).
Về lượng khách quốc tế qua vùng Nam bộ chiếm 51% của cả nước (nhưng Tân Sơn Nhất chiếm trên 98% của vùng Nam bộ và 50% hành khách quốc tế của cả nước).
Về lượng hàng hóa hàng năm qua vùng Nam bộ chiếm 42% của cả nước, (Tân Sơn Nhất chiếm 98% của vùng Nam bộ và 44% của cả nước). Lượng hàng hóa quốc tế qua vùng Nam bộ chiếm 45% của cả nước, (Tân Sơn Nhất chiếm gần 100% của vùng Nam bộ và 45% hàng hóa quốc tế của cả nước).
“Điều đó cho thấy, sân bay Tân Sơn Nhất giữ vị trí rất quan trọng, chiến lược đối với toàn khu vực Nam bộ”, ông Tống nói.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Tống, hiện sân bay Tân Sơn Nhất đang rơi vào “báo động đỏ” khi lượng hành khách không ngừng tăng mạnh sau từng năm. Hiện sân bay đã quá tải về cả lượng khách và điểm đỗ.
“Mỏi mắt” chờ nhà ga T3, Tân Sơn Nhất và sân bay Long Thành
“Đáng buồn là hiện tại, việc xây dựng nhà ga T3, nâng công suất Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm đang chậm triển khai và có thể đến năm 2022 mới hoàn tất. Với tốc độ tăng trưởng trong thời gian qua, dự báo nhu cầu hành khách qua sân bay Tân Sơn Nhất năm 2021 là trên 50 triệu hành khách/năm. Đây thực sự con số đáng báo động”, ông Tống nói.
Theo TS Nguyễn Thiện Tống, hiện tại báo cáo nghiên cứu khả thi dự án sân bay Long Thành phải đến cuối năm 2019 mới được đưa ra Quốc Hội xem xét, vì thế, sân bay Long Thành khó có thể hoàn tất giai đoạn 1 để đi vào hoạt động năm 2025, trong khi, sân bay, Tân Sơn Nhất tiếp tục quá tải đến năm 2025 và có thể sau đó nữa.
Bên cạnh đó, dự báo của Tư vấn Pháp ADPi về nhu cầu của sân bay Tân Sơn Nhất là trên 53 triệu hành khách năm 2021 và trên 78 triệu hành khách năm 2025. Nếu mở rộng năng suất sân bay Tân Sơn Nhất lên mức 50 triệu hành khách/năm thì nhu cầu được đáp ứng tăng thêm tích lũy đến năm 2025 là 47 triệu hành khách và tính đến năm 2027 là 67 triệu hành khách.
Cứ mỗi năm có thêm 10 triệu hành khách được phục vụ nếu sân bay Long Thành chậm đưa vào hoạt động sau năm 2025. Mặt khác ngay cả khi sân bay Long Thành bắt đầu hoạt động năm 2025 thì đến năm 2031 cũng quá tải trên 50 triệu hành khách/năm.
“Do đó việc mở rộng tăng năng suất CHKQT Tân Sơn Nhất lên mức 60 triệu hành khách/năm hay 70 triệu hành khách/năm vẫn mang lại hiệu quả lâu dài sau khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động”, ông Tống nói.
Cần một cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất – Biên Hoà
Theo TS Nguyễn Thiện Tống, hiện tại, việc dùng sân bay Biên Hoà (rộng tương đương với Tân Sơn Nhất) hầu như cho mục đích quân sự là khá lãng phí, vì thế, cần cải tạo để trở thành sân bay hỗn hợp quân sự và dân sự vì lợi ích kinh tế và an ninh quốc phòng.
Mặt khác, sân bay Biên Hòa ở vị trí kết nối rất tốt giữa đường hàng không với đường bộ, đường sắt và metro. Thành lập “Cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất – Biên Hòa” kết hợp dân sự – quân sự nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực phát triển trung tâm hàng không lớn nhất Việt Nam.
Nếu điều này thành hiện thực, khi đó, Tân Sơn Nhất sẽ phục vụ các chuyến bay quốc tế và các chuyến bay nội địa đường dài, còn sân bay Biên Hòa phục vụ các chuyến bay nội địa đường ngắn và vận chuyển hàng hóa.
Hiện dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa đã được Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ và Quân chủng Phòng không – Không quân Việt Nam đã khởi động ngày 20/4/2019. Theo Bộ Quốc phòng, dự án tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa dự kiến thực hiện với tổng nguồn vốn khoảng 390 triệu USD.
Do đó sân bay Tân Sơn Nhất và sân bay Biên Hòa cần được tổ chức lại thành cụm sân bay Tân Sơn Nhất – Biên Hòa để tất cả quỹ đất hiện nay của hai sân bay cũng như vùng trời được khai thác sử dụng chung cho hoạt động hàng không dân sự và quân sự để vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm an ninh quốc phòng cho TpHCM và cho cả nước.
Theo Đinh Tịnh/Vietnam Finance