Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Từ vụ xét xử Tân Hoàng Minh: Trường hợp nào được lấy...

Từ vụ xét xử Tân Hoàng Minh: Trường hợp nào được lấy lại tiền ngay? 

0

Từ yêu cầu của bị hại trong vụ xét xử Tân Hoàng Minh, pháp luật quy định thể nào về việc trường hợp được nhận lại tài sản ngay lập tức, trường hợp nào không? 

Khi nào được lấy lại tiền?

Phiên toà sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang bước vào thời gian nghị án, dự kiến ngày 27/3, HĐXX sẽ tuyên án với 15 bị cáo.

Trình bày nguyện vọng trong các phiên xét xử, hầu hết các bị hại đều mong muốn nhận lại tiền gốc sớm nhất, thậm chí nhiều người yêu cầu được nhận ngay tại toà.

Vậy theo quy định, trường hợp nào bị hại sẽ được nhận lại tài sản ngay lập tức, trường hợp nào không được nhận ngay?

Về vấn đề trên, TS. Đặng Văn Cường – Giảng viên Luật hình sự, Trường Đại học Thủy Lợi cho biết, trong quá trình tố tụng, nếu bị cáo hoặc người thân của bị cáo tự nguyện bồi thường khắc phục hậu quả cho bị hại thì họ sẽ được nhận tài sản ngay trong quá trình tố tụng.

Góc nhìn luật gia - Từ vụ xét xử Tân Hoàng Minh: Trường hợp nào được lấy lại tiền ngay?
Nhiều bị hại đều mong muốn nhận lại tiền đầu tư ngay tại toà. 

Trường hợp bị cáo không bồi thường trực tiếp cho bị hại mà nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng thì phải chờ đến bản án có hiệu lực. Khi đó, cơ quan thi hành án mới có quyền căn cứ vào nội dung của bản án để thi hành đối với phần dân sự trong bản án hình sự theo quy định.

Cụ thể, với vụ án Tân Hoàng Minh, các bị cáo đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ để bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả. Những tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng kê biên, niêm phong, phong tỏa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử được xác định là do phạm tội mà có hoặc số tiền của bị cáo nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tiến hành tố tụng thì không thuộc trường hợp “phải trả lại ngay” theo quy định của pháp luật.

Hơn nữa, theo quy định của pháp luật thì đến khi bản án có hiệu lực pháp luật kết tội thì bị cáo mới được xác định là người phạm tội, đồng thời có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả theo quy định được ghi nhận trong bản án hình sự.

Do đó, đến khi bản án có hiệu lực thì bị hại được quyền căn cứ vào nội dung bản án đó để yêu cầu cơ quan thi hành án thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.

Căn cứ yêu cầu tính lãi 

Trong vụ án trên đại điện VKS cho rằng, hợp đồng giữa các bị hại và Tân Hoàng Minh là vô hiệu. Theo ông Cường, đối với các giao dịch dân sự, kinh tế mà được xác định là vô hiệu, có gian dối khiến cho một bên bị xử lý hình sự thì quyền và nghĩa vụ trong các giao dịch đó bị hủy bỏ, người phạm tội trong trường hợp này phải bồi thường thiệt hại khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

Thiệt hại của bị hại trong vụ án hình sự có thể là số tiền đã nhận của nạn nhân và thiệt hại khác phát sinh (nếu có). Chỉ có những quan hệ dân sự hợp pháp thì quyền và nghĩa vụ của các bên mới được thực hiện theo nội dung đã thỏa thuận trước đó.

Góc nhìn luật gia - Từ vụ xét xử Tân Hoàng Minh: Trường hợp nào được lấy lại tiền ngay? (Hình 2).
TS. Đặng Văn Cường. 

Với những hợp đồng vay tài sản hoặc hợp đồng đầu tư mà hợp pháp thì lãi suất và lợi nhuận mới được pháp luật thừa nhận và bên có nghĩa vụ phải thanh toán theo thỏa thuận.

Trường hợp thông qua hợp đồng vay tài sản hoặc hợp đồng đầu tư để một bên gian dối chiếm đoạt tài sản của bên kia thì bị cáo (người chiếm đoạt tài sản) phải chịu hình phạt và phải trả lại số tiền đã chiếm đoạt. Ngoài số tiền đã chiếm đoạt nếu người bị hại có căn cứ chứng minh còn có những thiệt hại khác phát sinh thì xuất trình chứng cứ để tòa án xem xét.

Tuy nhiên, nếu người bị hại bị lừa do bị cáo đưa ra lãi suất cao để vay tiền, đưa ra lợi nhuận không tưởng để đầu tư thì đây là thủ đoạn gian dối, không phải là căn cứ để yêu cầu thanh toán số tiền “bánh vẽ” này, bởi những thông tin này là phương thức thủ đoạn phạm tội chứ không phải là thỏa thuận dân sự hợp pháp.

Đặng Ngọc Thuỷ

Link nguồn