Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines (UpCOM: MVN) vừa cho biết, trong quý II/2019, Tổng công ty sẽ chính thức chuyển sang mô hình mới với thương hiệu mới là VIMC (Việt Nam Marine Corporation).
Nhìn lại kết quả quý I/2019, tổng doanh thu của Vinalines thu được từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt gần 2.900 tỷ đồng trong đó, khối vận tải biển đạt khoảng 1.204 tỷ đồng, khối cảng biển đạt 1.087 tỷ đồng, doanh thu còn lại thuộc về khối dịch vụ hàng hải.
Cụ thể 3 tháng đầu năm, sản lượng của khối vận tải biển ước đạt hơn 5,2 triệu tấn trong đó, sản lượng container đạt khoảng 74.000 Teus; khối cảng biển có sản lượng hàng hóa thông qua đạt gần 24 triệu tấn, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2018.
Theo đại diện lãnh đạo Vinalines, trong quý I, khối dịch vụ hàng hải, lợi nhuận đạt mức thấp (8,5%) so với kế hoạch do một số nguyên nhân chính như: giá cước bất ổn sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài, thị trường khai thác bãi container và kho CFS (địa điểm thu gom hàng lẻ) tiếp tục cạnh tranh gay gắt do nguồn cung dịch vụ kho bãi tăng…
Công tác chuẩn bị cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sang công ty cổ phần đang gấp rút được thực hiện |
Cũng theo đại diện lãnh đạo Vinalines, thời gian qua, công tác chuẩn bị cho việc chuyển đổi mô hình hoạt động của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam sang công ty cổ phần tiếp tục được thực hiện. Trong đó, đơn vị đã hoàn thành công tác nhân sự của công ty cổ phần để trình đại hội cổ đông lần thứ nhất; Tổng công ty cũng đã làm việc với Bộ Tài chính để có văn bản hướng dẫn xác định vốn điều lệ của công ty cổ phần.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu MVN chốt phiên chiều ngày 09/04 tiếp tục đứng tham chiếu phiên phiên thứ 7 liên tiếp khi không có cổ phiếu nào được giao dịch.
Liên tục lỗ
Báo cáo tài chính (BCTC) quý IV/2018 do Vinalines công bố cho thấy một thực trạng rằng, doanh nghiệp vẫn chưa thể thoát lỗ từ hoạt động kinh doanh chính. Liên tiếp trong nhiều năm, hoạt động kinh doanh chính vẫn chịu lỗ (năm 2016 âm 2.171 tỷ; 2017 âm 537 tỷ; 2018 vẫn còn âm 198 tỷ). Thậm chí, con số lợi nhuận công bố còn được giới phân tích cho rằng mang nặng tính “thủ thuật” và không thực chất, bởi nếu trừ đi các khoản thu nhập bất thường do “thủ thuật” tạo nên thì Vinalines có thể sẽ tiếp lục tích lũy thêm số lỗ lũy kế chứ không hề giảm đi.
Chẳng hạn như cuối năm 2018, Vinalines đã thực hiện việc thoái vốn tại doanh nghiệp lớn hàng đầu của mình là công ty Cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam (Vitranschart) từ 58% xuống 48,99%. Giao dịch được thực hiện đúng vào ngày 28/12/2018, trước thời điểm chốt sổ tài chính năm nhằm “né” khoản lỗ lũy kế gần 1.500 tỷ đồng nằm trên báo cáo tài chính của Vitranschart.
Theo các nhà phân tích, việc thoái vốn vừa đủ xuống dưới 49% là vừa đủ để Vinalines không còn phải hạch toán số lỗ lũy kế cả ngàn tỷ của công ty này khi lập BCTC hợp nhất. Với việc vốn chủ sở hữu của VST tại thời điểm 30/09/2018 là âm 861 tỷ đồng trên vốn điều lệ 610 tỷ đồng thì với tỷ lệ sở hữu ban đầu là 58%, tổng cộng Vinalines đã phải gánh lỗ 853 tỷ đồng trên kết quả kinh doanh hợp nhất của mình.
Còn khi Vitranschart chỉ còn là công ty liên kết, tức sở hữu của Vinalines chỉ còn dưới 49% vốn, thì chỉ phải gánh tối đa số tiền mà Tổng Công ty đầu tư vào Vitranschart, tương đương 299 tỷ đồng, ứng tỷ lệ vốn góp vào vốn điều lệ. Đồng thời, Vitranschart có tiếp tục lỗ thêm cũng không phản ánh vào số lỗ lũy kế của Vinalines.
Không chỉ có trường hợp nói trên, trong năm 2015, Vinalines đã bán bớt 2% cổ phần tại CTCP Vận tải biển Bắc (Nosco) để giảm tỷ lệ sở hữu từ 51% xuống 49%. Qua đó, Vinalines chỉ còn chịu khoản lỗ hơn 100 tỷ từ đơn vị này, thay vì phải “cõng trọn” 3.000 tỷ lỗ lũy kế.
Song song đó, Vinalines cũng đã tiến hành thực hiện hàng loạt vụ phá sản tại một loạt doanh nghiệp lỗ vượt xa vốn điều lệ. Trong năm 2018, Vinalines đã hoàn tất việc phá sản Công ty TNHH MTV Vận Tải Viễn Dương Vinashin – doanh nghiệp lỗ đến 8.500 tỷ đồng (cuối 2014), phá sản công ty CP Vận tải dầu khí Việt Nam (lỗ lũy kế 2.200 tỷ cuối 2014), phá sản công ty TNHH MTV CNTT Cà Mau, giải thể công ty TNNN Sửa chữa tàu biển Vinalines – Đông Đô,…
Một số nhà quan sát cho rằng, việc thực hiện phá sản nhằm cơ cấu lại tài sản và các khoản đầu tư nhưng đồng thời, quan trọng là việc Vinalines sẽ không phải hạch toán những con số lỗ lũy kế khủng của Vinalines trong tương lai. Điều này đã giúp báo cáo tài chính của Vinalines trở nên ‘sạch đẹp’ hơn.
Hiện số lỗ lũy kế của Vinalines vẫn còn còn gần 3.000 tỷ đồng trên BCTC năm 2018 sau khi liên tục xóa lỗ “kỹ thuật” trong những năm gần đây. (theo VTCnews)
Theo Văn Thắng/Thời báo chứng khoán