Chứng khoán VNDirect dự báo VN-Index có thể quay trở lại mức 1.300-1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12-12,5 lần.
Mới đây, CTCP Chứng khoán VNDirect đã công bố Báo cáo chiến lược đầu tư Việt Nam 2023, theo đó nhóm phân tích cho rằng xung lực tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại trong năm 2023 do tăng trưởng xuất khẩu thấp, môi trường lãi suất cao, lạm phát thế giới vẫn ở mức cảnh báo, thanh khoản thắt chặt và gia tăng áp lực nợ xấu ở mảng BĐS trong năm 2023.
Trên thị trường chứng khoán, nhóm phân tích VNDirect dự báo thị trường sẽ có xu hướng tăng trong những tháng đầu 2023, nguyên nhân là định giá các tài sản đã quá hấp dẫn, song đà tăng sẽ khá mong manh và không ổn định trong bối cảnh thanh khoản thấp, áp lực lãi suất, tỷ giá và bài kiểm tra năng lực thanh toán cho TPDN đáo hạn vẫn còn.
Tuy nhiên, VNDirecct kỳ vọng thị trường từ giữa năm 2023 về sau sẽ có đà tăng vững chãi hơn nhờ nhiều yếu tố kết hợp.
VNDirect không kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2023 mà sớm nhất rơi vào quý I/2024. Khi các ngân hàng trung ương “bớt diều hâu” sẽ kích hoạt một đợt định giá lại tài sản mới, các thị trường mới nổi sẽ phản ánh câu chuyện giảm lãi suất sau đó 4-6 tháng.
Về lợi nhuận ròng, đội ngũ phân tích dự báo tăng trưởng lãi ròng toàn thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối 2023 nhờ lãi suất giảm, đồng VND mạnh lên, giá nguyên vật liệu đầu vào giảm và việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ tạo thêm động lực. Đà tăng trưởng lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp tích cực sẽ là tín hiệu tốt cho sự phục hồi của TTCK.
Cuối cùng, việc thất thế gần đây của các cổ phiếu công nghệ đã dẫn đến sự chuyển hướng đầu tư sang các hoạt động kinh doanh truyền thống, đây cũng là bản chất của thị trường Việt Nam – nơi ngân hàng, bất động sản, điện lực, tiêu dùng chiếm ưu thế về vốn hóa.
Theo Báo cáo chiến lược, VN-Index có thể quay trở lại mức 1.300-1.350 điểm, trên cơ sở lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết tăng 14% và định giá P/E 12-12,5 lần.
Nhóm chuyên gia cho rằng Việt Nam vẫn khá hấp dẫn so với các thị trường khu vực trong tương quan tăng trưởng lợi nhuận giai đoạn 2023-2024. Rủi ro chủ yếu của thị trường vẫn là lạm phát không thể giảm xuống mức đủ để các NHTW nới lỏng. Ngược lại, thị trường sẽ khởi sắc hơn khi các chính sách tháo gỡ cho TPDN được thực thi quyết liệt, hay Việt Nam được nâng hạng sớm hơn dự kiến.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ tương đối im lìm trong nửa đầu năm 2023. Bởi VNDirect cho rằng cần thêm thời gian để các thành viên tham gia thị trường (nhà phát hành, tổ chức bảo lãnh/tư vấn và nhà đầu tư) thích ứng với các quy định mới.
Với sự bùng nổ phát hành trái phiếu trong giai đoạn 2019 – 2021, tổng giá trị trái phiếu riêng lẻ đáo hạn năm 2023 vào khoảng 300.000 tỷ đồng, (tăng 90% so với cùng kỳ). Trong đó bất động sản và tài chính – ngân hàng lần lượt chiếm 30% và 40%.
Trong bối cảnh chi phí tài chính gia tăng, lực cầu nội địa yếu đi, thị trường bất động sản trầm lắng, các doanh nghiệp đang có xu hướng hoãn, hoặc hủy kế hoạch mở rộng kinh doanh, dẫn đến giảm nhu cầu vốn.
Khối lượng phát hành sẽ phục hồi đáng kể trong nửa cuối năm 2023 từ mức nền thấp của 2022, nhờ lợi nhuận của doanh nghiệp khởi sắc hơn, lãi suất ổn định và cơ chế thị trường tốt hơn.
Hiện quy mô TPDN trên GDP của Việt Nam là 15%; và 13% đối với TPDN phát hành riêng lẻ, tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Chính phủ đang đặt mục tiêu quy mô thị trường TPDN đạt 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra một số biện pháp để tháo gỡ thế khó của TPDN, bao gồm: đẩy nhanh quy trình pháp lý để doanh nghiệp có quyền sử dụng đất, đề nghị NHNN giảm chi phí đi vay cho các công ty và tham gia tái cơ cấu các nghĩa vụ trả nợ, cải thiện niềm tin của nhà đầu tư, đảm bảo các tổ chức phát hành cung cấp thông tin chính xác và đảm bảo thanh toán trái phiếu đúng hạn để củng cố niềm tin của nhà đầu tư
Phạm Hồng Nhung