Sau hai tuần giảm điểm liên tiếp, thị trường đã có sự hồi phục trở lại. Tuy nhiên, với mức tăng nhẹ và thanh khoản dưới mức trung bình 20 phiên gần nhất cho thấy sự thận trọng của dòng tiền vẫn còn.
VN-Index vừa trải qua 1 tuần giao dịch với nhiều biến động khi áp lực bán xuất hiện liên tiếp vào 2 ngày đầu tuần khiến chỉ số chung đã có lúc lùi về vùng 1030 trước khi phục hồi vào các phiên sau đó.
Lực cầu bắt đáy tuy thưa thớt nhưng cũng đã xuất hiện ở các phiên sau đó đã phần nào giúp cho thị trường lấy lại được sắc xanh, cải thiện về mặt chỉ số quay lên vùng điểm 1060.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 4,01 điểm (+0,4%) lên 1.059,31 điểm, HNX-Index tăng 1,45 điểm (+0,7%) lên 209,95 điểm. Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 12,2% so với tuần giao dịch trước đó xuống 43.161 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch giảm 2,9% xuống 2.513 triệu cổ phiếu. Giá trị giao dịch trên HNX tăng 13,9% lên 4.851 tỷ đồng tương ứng với khối lượng giao dịch tăng 11% lên 314 triệu cổ phiếu.
Trong tuần vừa qua, sự phân hóa cũng được thể hiện rõ ràng hơn và đáng chú ý nhất là nhóm cổ phiếu thép, dầu khí đã có được sự tăng điểm tích cực xấp xỉ 3%.
Theo dữ liệu của Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS), nhóm cổ phiếu dầu khí tăng mạnh nhất với 3,4% giá trị vốn hóa với các đại diện tiêu biểu trong ngành như PLX (+0,8%), BSR (+0,6%), OIL (+3,4%), PVD (+8,6%), PVS (+9,2%), PVB (+4,1%), PVC (+6,5%)…
Tiếp theo là nhóm cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng với mức tăng 1,2% giá trị vốn hóa chủ yếu nhờ đà tăng từ các đại diện thuộc ngành con bán lẻ như MWG (+2,7%), FRT (+3,2%)…
Ngành tiện ích cộng đồng, nguyên vật liệu và công nghệ thông tin có cùng mức tăng 1,1% giá trị vốn hóa với các cổ phiếu đáng chú ý như GAS (+1%), POW (+3,3%)…; HPG (+2,4%), HSG (+7,6%), NKG (+12,6%)…; FPT (+1,1%)…
Cổ phiếu trụ cột thị trường là ngân hàng tăng 1% giá trị và giúp giữ nhịp cho thị trường chung. Các ngành có mức tăng dưới 1% là dược phẩm và y tế (+0,6%), công nghiệp (+0,5%).
Chiều ngược lại, nhóm tài chính giảm mạnh nhất với 1% vốn hóa chủ yếu do chịu tác động tiêu cực từ ngành con bất động sản. Hàng tiêu dùng giảm nhẹ 0,3%.
Về hoạt động của khối ngoại, theo thống kê, khối ngoại đã quay trở lại bán ròng trên hai sàn trong tuần qua với giá trị ròng khoảng 410 tỷ đồng. DXG là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 14,9 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là STB và NVL với lần lượt 13,4 và 6,1 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, PVD là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 4,2 triệu cổ phiếu.
Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 3/2023 đang thấp hơn chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh 4,72 điểm. Điều này cho thấy là các nhà đầu tư vẫn đang khá tiêu cực về triển vọng thị trường trong ngắn hạn.
Nguyễn Luận
Link nguồn