Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Bộ Công thương đề xuất chuyển toàn bộ việc điều hành giá...

Bộ Công thương đề xuất chuyển toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu sang Bộ Tài chính

0

Xây dựng dự thảo sửa đổi Nghị định 95/2021 về kinh doanh xăng dầu, Bộ Công thương đề xuất giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện.

Ảnh minh họa.

Bộ Công thương vừa gửi các bộ, ngành lấy ý kiến về sửa đổi, bổ sung dự thảo Nghị định 95/2021 kinh doanh xăng dầu với những sửa đổi quan trọng về thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu bán lẻ trong nước.

Theo đó, nêu quan điểm sửa đổi quy định liên quan đến ý kiến đề nghị giao một đầu mối quản lý đối với mặt hàng xăng dầu, Bộ Công thương đưa ra 03 phương án gồm: Giữ nguyên như quy định hiện hành, giao hoàn toàn về Bộ Tài chính quản lý hoặc giao hoàn toàn về Bộ Công thương quản lý.

Với phương án 1, Bộ Công thương cho rằng, dù đã được thực hiện nhiều năm, phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ từng bộ ngành, thực hiện giám sát kiểm tra chi phí, song khi có vấn đề phát sinh lại cần có sự phối hợp giữa các bộ ngành để cùng xử lý.

Đối với phương án 2, việc điều hành giá xăng dầu và rà soát, hướng dẫn, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu đưa về một đầu mối là Bộ Tài chính. Theo Bộ Công thương phương án này bảo đảm việc phân công công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ của các bộ, ngành. Bộ Tài chính có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực tài chính sẽ thực hiện chính xác công tác tính toán, hướng dẫn và công bố giá điều hành đối với mặt hàng xăng dầu.

Song nhược điểm theo Bộ Công thương là việc điều hành giá xăng dầu tách xa việc điều hành cung cầu xăng dầu nên sẽ có những bất ổn, không có sự độc lập khách quan trong việc xác định, phản ánh các chi phí kinh doanh xăng dầu.

Đối với phương án 3 giao cho Bộ Công thương, dù đảm bảo thống nhất một đầu mối quản lý giá và cung cầu, nhưng lại không đảm bảo sự phù hợp, thống nhất trong phân công, thực hiện theo chuyên môn, nghiệp vụ, dẫn tới chồng chéo và phát sinh thêm bộ máy.

Trên cơ sở các phân tích, Bộ Công thương đề xuất lựa chọn phương án 2, tức là giao toàn bộ việc điều hành giá xăng dầu, tính toán các chi phí kinh doanh xăng dầu cho Bộ Tài chính chủ trì thực hiện. Bộ Công thương sẽ phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, thị trường xăng dầu có nhiều biến động, nguồn cung xăng dầu có thời điểm bất ổn. Một trong những nguyên nhân là bởi các chi phí kinh doanh chưa tính đúng, tính đủ trong cơ cấu giá cơ sở xăng dầu do Nhà nước điều hành, dẫn đến doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ, không có động lực duy trì hoạt động kinh doanh.

Khắc phục tình trạng trên, Bộ Công thương đề xuất Bộ Tài chính phối hợp rà soát sửa đổi, bổ sung quy định về công thức giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo các phương án:

Phương án 1: Tiếp tục điều hành giá xăng dầu theo quy định hiện hành và sửa đổi công thức giá cơ sở hiện hành theo hướng rà soát, bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp, nhưng chưa được tính trong giá cơ sở hiện hành, như rà soát nội dung quy định về premium trong nước.

Đồng thời, rà soát các quy định về phương thức xác định các chi phí, tần suất xác định chi phí, bảo đảm tính đúng, tính đủ, kịp thời các chi phí trong giá cơ sở do Nhà nước công bố.

Phương án 2: Sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới, các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chỉ sử dụng Quỹ bình ổn giá để định hướng cho việc tính và quyết định giá bán lẻ xăng dầu cụ thể của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế của mình, gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium… để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp mình, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công thương, Bộ Tài chính để giám sát.

Với 02 phương án, Bộ Công thương lựa chọn phương án 2, theo đó Nhà nước chỉ công bố giá định hướng (gồm các yếu tố giá thế giới, thuế, lợi nhuận định mức, mức trích lập Quỹ bình ổn giá), các chi phí khác do các doanh nghiệp tự xác định và chịu trách nhiệm trước các cơ quan kiểm toán.

Bộ Công thương cho rằng, với phương án này sẽ giúp đưa giá xăng dầu dần về thị trường, giảm dần sự can thiệp của Nhà nước. Đồng thời, bảo đảm phản ánh đủ chi phí thực tế phát sinh của các doanh nghiệp trong giá cơ sở xăng dầu, hài hòa lợi ích giữa các chủ thể, giúp duy trì nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Hoàng Trần

Link nguồn