Kết thúc quý II/2022, mặc dù doanh thu tăng, lợi nhuận sau thuế của Thủy sản Minh Phú vẫn giảm gần 40%, do phải “gánh” các khoản chi phí tài chính tăng cao.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (MCK: MPC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022.
Quý II/2022, công ty thu về 4.490 tỷ đồng từ doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ, cao hơn so với cùng kỳ 36%. Giá vốn trong quý cũng ghi nhận tăng 31,8% so với quý II/2021. Do tốc độ gia tăng của giá vốn hàng hóa nhỏ hơn tốc độ tăng của doanh thu, vì vậy lợi nhuận gộp trong quý II của công ty tăng từ 563 tỷ đồng vào năm 2021 lên đến 892 tỷ đồng vào năm 2022, tăng hơn 58%.
Tuy nhiên, chi phí tài chính của doanh nghiệp tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ, đạt mức 85 tỷ đồng. Chi phí bán hàng quý II của Thủy sản Minh Phú đạt 467 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp đạt 191 tỷ đồng, tăng đáng kể lần lượt 151% và 135% so với cùng kỳ năm trước. Do đó, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong quý sụt giảm 46,7% so với quý II/2022, ở mức 163 tỷ đồng.
Sau khi trừ các chi phí, “vua tôm” Minh Phú báo lãi 150 tỷ đồng, giảm 39,7% so với quý II năm trước.
Giải trình biến động lợi nhuận quý II năm 2022 so với cùng kỳ năm trước, công ty cho biết, lợi nhuận hợp nhất trong quý chênh lệch là do trong kỳ dự phòng các khoản thu khó đòi và do chi phí tài chính tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú thu về 8.730 tỷ đồng, tăng 43%. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 241 tỷ đồng, giảm 12,7% so với nửa đầu năm 2022.
Năm 2022, “vua tôm” Minh Phú đặt ra mục tiêu thu về 18.963 tỷ đồng doanh thu và 1.373 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, công ty đã hoàn thành 46% kế hoạch kinh doanh và 20% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6/2022, tổng cộng tài sản của Tập đoàn Thủy Sản Minh Phú là 10.861 tỷ đồng, tăng 13,6% so với đầu năm. Mức tăng chủ yếu đến từ tài sản ngắn hạn đạt 8.249 tỷ đồng, tăng gần 15% so với số đầu kỳ. Cụ thể, tiền và các khoản tương đương tiền ở cuối kỳ ghi nhận tăng 46%, đạt 713 tỷ đồng. Chỉ số hàng tồn kho ở mức 5.043 tỷ đồng, cao hơn so với đầu năm 13%.
Cùng với đó, công ty sở hữu 168 tỷ đồng tài sản ngắn hạn khác, tăng cao 97.6% so với số đầu năm. Chủ yếu đến từ các khoản thuế giá trị gia tăng được khấu trừ chiếm 133 tỷ đồng. Đặc biệt, cuối kỳ không ghi nhận các khoản phải thu dài hạn mặc dù đầu năm các khoản này đạt mức 2.058 tỷ đồng.
Dư nợ phải trả đến cuối kỳ của doanh nghiệp đạt 5.612 tỷ đồng, tăng 37,9%, đến từ các khoản nợ ngắn hạn tăng từ 3.947 tỷ đồng đầu năm lên đến 5.420 tỷ đồng vào cuối kỳ. Các khoản phải trả ngắn hạn khác của doanh nghiệp đến cuối kỳ tăng hơn 10 lần so với đầu năm, đạt 513 tỷ đồng.
Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp ở cuối kỳ đạt 5.114 tỷ đồng, giảm nhẹ 4,5% so với số đầu kỳ.
Tại phiên họp HĐCĐ thường niên mới đây, trả lời câu hỏi về khả năng hoàn thành lợi nhuận trong 2022, công ty cho biết, 5 tháng đầu năm nay tình hình tương đối thuận lợi, tuy nhiên 6 tháng cuối năm tình hình sẽ trở nên khó khăn do thời tiết mưa nhiều và mưa sớm.
Chính vì vậy làm cho người nông dân cũng phải thu hoạch tôm sớm, hạn chế thả giống, phát sinh nhiều dịch bệnh nên nuôi tôm thành công kém hơn. Ngoài ra, tình hình lạm phát cao sẽ khiến thị trường 6 tháng cuối năm sẽ khó khăn. Tuy nhiên, trong năm 2022 Minh Phú vẫn nhận thấy có nhiều yếu tố thuận lợi.
Theo đó, vùng nuôi Minh Phú Lộc An đã hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, cải tiến bộ máy và quy trình cho kết quả khả quan. Vùng nuôi Minh Phú Kiên Giang đang dần hoàn thiện hệ thống nước biển, quyết tâm hoàn thành sớm trong tháng 09-2022. Trại giống Minh Phú Ninh Thuận đang nâng cấp hệ thống trang trại, nhờ đó sẽ cung cấp tôm giống cho các vùng nuôi của Minh Phú.
Nguyễn Phương Anh
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/cac-khoan-chi-tang-cao-loi-nhuan-cua-vua-tom-minh-phu-sut-giam-a564632.html