Việc thua lỗ liên tiếp nhiều năm liền và mới có lãi 3 quý gần đây, Đạm Hà Bắc vẫn còn khoản lỗ lũy kế lớn 3.407 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 685 tỷ đồng.
Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UpCOM: DHB ) công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu 1.601 tỷ đồng, tăng 84%. Giá vốn tăng thấp hơn nên lợi nhuận gộp đạt 785 tỷ đồng, gấp 5,8 lần cùng kỳ năm trước. Biên lãi gộp tăng mạnh từ 15,66% lên 49%.
Chi phí tài chính vẫn là chi phí lớn nhất với 242 tỷ đồng, giảm 4%. Chi phí bán hàng tăng 45% lên 31 tỷ và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng nhẹ 3% lên 40 tỷ đồng.
Theo đó, doanh nghiệp phân đạm báo lãi 478 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với con số lỗ 160 tỷ cùng kỳ năm trước và thấp hơn 45% so với quý đầu năm.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Đạm Hà Bắc báo doanh thu 3.547 tỷ đồng, tăng 92%; lãi sau thuế 1.346 tỷ đồng, cùng kỳ năm trước lỗ 409 tỷ đồng.
Công ty cho biết trong quý II, giá bán và doanh thu bán hàng tăng mạnh do diễn biến thị trường thuận lợi, giá ure, NH3 thế giới và trong nước đều trong xu thế tăng cao so với cùng kỳ, hoạt động sản xuất kinh doanh rất hiệu quả. Tuy nhiên, điểm bất lợi là giá dầu, giá than và các loại vật tư, nguyên liệu đầu vào khác tăng cao, nguồn than trong tình trạng thiếu hụt. Tỉ giá động USD tăng cao dẫn đến chi phí tăng.
Việc thua lỗ liên tiếp nhiều năm liền và mới có lãi 3 quý gần đây, Đạm Hà Bắc vẫn còn khoản lỗ lũy kế lớn với hơn 3.406 tỷ đồng – tuy nhiên con số này đã giảm đáng kể so với hồi đầu năm (4.753 tỷ đồng).
Vốn chủ sở hữu âm 685 tỷ đồng, đồng thời, doanh nghiệp cũng đã trả 2.287 tỷ đồng nợ vay, giảm tổng nợ vay xuống 3.721 tỷ đồng. Tổng tài sản tính đến cuối quý tháng 6 ở mức 7.440 tỷ đồng, giảm 505 tỷ đồng so với đầu năm. Hàng tồn kho ở mức 446 tỷ đồng, giảm so với mức 519 tỷ đồng thời điểm đầu năm.
Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc tiền thân là Nhà máy Phân đạm Hà Bắc, được khởi công xây dựng từ đầu năm 1960. Được xem là “đứa con đầu lòng” của ngành sản xuất đạm Việt Nam, nhưng Đạm Hà Bắc bắt đầu rơi vào cảnh sa sút từ khi hoàn tất dự án mở rộng sản xuất vào năm 2015.
Công ty cũng là một trong 4 nhà máy sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) – nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công Thương.
Hoạt động kinh doanh của Đạm Hà Bắc khởi sắc từ năm 2021 khi chạy với 92% công suất, cung cấp cho thị trường 437.000 tấn Ure (là mức kỷ lục). Sau 6 năm mở rộng, 2021 là năm lần đầu tiên Đạm Hà Bắc đã có lãi. Bước sang năm 2022 tình hình sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc tiếp tục có những tín hiệu tốt, giá phân bón tăng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc, thì khoản lỗ lũy kế trong 5 năm qua của Đạm Hà Bắc vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn
Tại buổi làm việc với Đạm Hà Bắc hồi đầu tháng 4/2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã thống nhất phương án gỡ khó cho doanh nghiệp này sau loạt kiến nghị của Chủ tịch Vinachem. Tập đoàn này xây dựng 4 phương án xử lý vấn đề của Đạm Hà Bắc là: Chuyển vốn vay thành vốn góp; cơ cấu lại tài chính; bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cho phá sản doanh nghiệp.
Nhìn nhận các phương án tái cơ cấu, Phó Thủ tướng cho rằng, phương án khả thi nhất là tái cơ cấu tài chính. Do vậy, cần đưa đây là phương án đầu tiên trong Đề án tái cơ cấu, tiếp đến là phương án bán cổ phần, chuyển vốn vay và cuối cùng là phá sản.
Phó Thủ tướng đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục chỉ đạo Đạm Hà Bắc hoàn thiện phương án tái cơ cấu, tổng hợp cùng những dự án còn lại để báo cáo Bộ Chính trị, chậm nhất phải có đề án hoàn chỉnh vào tháng 9/2022.
Nguyễn Thu Huyền
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dam-ha-bac-lai-3-quy-lien-tiep-van-con-lo-luy-ke-3400-ty-dong-a560889.html