Từng là một trong 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón thua lỗ triền miên của ngành công thương, DAP-Vinachem hiện đã “thoát xác”, báo lãi trăm tỷ mỗi quý.
Công ty Cổ phần DAP-Vinachem (UpCOM: DDV) công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu thuần hơn 858 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cùng kỳ.
Công ty cho biết, doanh thu tăng trưởng chủ yếu do tăng giá bán. Giá bán bình quân đã trừ chiết khấu kỳ này là 20,1 triệu đồng/tấn, tăng 96,4% so với mức 10,2 triệu đồng/tấn cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng nhẹ hơn với 5,2% lên 676,3 tỷ đồng, nên lợi nhuận gộp tăng 91,2% lên 181,8 tỷ đồng.
Doanh thu tài chính tăng hơn 52% lên 6,8 tỷ đồng, phần lớn bởi lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng 105,3% lên 3,9 tỷ đồng và lãi chênh lệch tỉ giá tăng 21,1% lên 2,3 tỷ đồng. Chi phí tài chính hạ gần 20% còn 1,8 tỷ đồng với khoản chiết khấu thanh toán ở mức 836,3 triệu đồng, bằng 41% cùng kỳ.
Các loại chi phí khác trong kỳ cũng giảm. Trong đó, DAP-Vinachem giảm chi phí ủy thác xuất khẩu nên chi phí bán hàng quý II giảm 14,7% còn 15,4 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm gần 75% xuống 6,2 tỷ đồng nhờ hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi 25,5 tỷ đồng. Kết quả, quý II/2022 DAP-Vinachem ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 186,4% lên 156,4 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, DAP-Vinachem ghi nhận doanh thu thuần tăng 25,6% lên 1.721 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế tăng 224,5% lên gần 293 tỷ đồng. Đây là khoản lợi nhuận cao nhất kể từ khi DAP-Vinachem có lãi từ trước đến nay, con số này còn vượt xa kết quả của cả năm 2021.
Về tình hình tài chính, tại ngày 30/6/2022, quy mô tổng tài sản của công ty là 2.197 tỷ đồng, tăng 18,6% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 61% với 1.340,4 tỷ đồng. Hàng tồn kho tăng 22,7% lên 627,4 tỷ đồng, phần lớn do giá trị thành phẩm tăng 198,1% lên 231,3 tỷ đồng, trong khi hàng gửi bán giảm 68,2% xuống 35,7 tỷ đồng.
Khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng 4 lần ở mức 357,2 tỷ đồng. Trong đó, khoản tiền gửi tiết kiệm theo các hợp đồng tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 3,8-4%/năm tại BIDV chi nhánh Lạch Tray chiếm tỉ trọng lớn nhất với 49%, tương đương 175 tỷ đồng.
Xếp sau là khoản tiền gửi tiết kiệm theo các hợp đồng tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, lãi suất 7%/năm và hợp đồng tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 4,8%/năm tại ABBank với tổng giá trị 137 tỷ đồng, tỉ trọng 38,4%.
Tiền và các khoản tương đương tiền giảm 14,5% xuống 172,9 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 79,7% lên 171,6 tỷ đồng, riêng phải thu ngắn hạn của khách hàng ở mức 87,7 tỷ đồng, tăng 45,9% so với đầu năm.
Về nguồn vốn, DAP-Vinachem không có nợ vay tài chính dài hạn. Vay ngắn hạn tăng 154,5% lên 112,5 tỷ đồng. Trong đó, hơn 90,4 tỷ đồng là tổng giá trị các khoản vay bằng USD tại 2 ngân hàng là Vietinbank chi nhánh Hồng Bàng (78,2 tỷ đồng) và BIDV chi nhánh Lạch Tray Hải Phòng (12,3 tỷ đồng). Phần còn lại 22 tỷ đồng là các khoản vay bằng VND tại Vietinbank chi nhánh Hồng Bàng (16 tỷ đồng) và Agribank chi nhánh Đông Hải Phòng (6 tỷ đồng).
Cuối tháng 6, doanh nghiệp có hơn 282,4 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, quỹ đầu tư phát triển 4,5 tỷ đồng và vốn góp chủ sở hữu 1.461 tỷ đồng.
DAP-Vinachem từng là một trong 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón thuộc nhóm dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành công thương. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1468 phê duyệt “Đề án xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương” ngày 29/9/2017, trong đó có phương án xử lý đối với nhóm 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón, hoạt động kinh doanh của DAP – Vinachem dần khởi sắc. Doanh nghiệp này bắt đầu có lãi từ năm 2017 và đã trả hết nợ vay đầu tư từ năm 2018. Hiện phân bón DAP của DAP-Vinachem đang có lợi thế tiêu thụ tốt. |
Nguyễn Thu Huyền
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/dap-vinachem-bao-lai-ky-luc-6-thang-dau-nam-2022-a561227.html