6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt khoảng 766 nghìn tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, giảm về cả lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu sụt giảm
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, theo ước tính, xuất khẩu cao su của Việt Nam trong tháng 6/2023 đạt khoảng 180 nghìn tấn, trị giá 239 triệu USD, tăng 53,7% về lượng và tăng 51% về trị giá so với tháng 5/2023, nhưng so với tháng 6/2022 giảm 4,2% về lượng và giảm 23% về trị giá.
Giá xuất khẩu cao su bình quân ở mức 1.327 USD/tấn, giảm 1,8% so với tháng 5/2023 và giảm 19,6% so với tháng 6/2022.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu cao su đạt khoảng 766 nghìn tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, giảm 2,6% về lượng và giảm 22,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Theo báo Công Thương, trong 5 tháng đầu năm 2023, các chủng loại cao su xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), SVR 10, SVR 3L, RSS3, Latex, SVR CV60, SVR 20…
Trong đó, hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280) vẫn là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất, chiếm 66,93% tổng lượng cao su xuất khẩu của cả nước, với 392,45 nghìn tấn, trị giá 538,65 triệu USD, tăng 11,5% về lượng, nhưng giảm 11,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm tới 99,82% tổng lượng hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp xuất khẩu, với 391,74 nghìn tấn, trị giá 357,1 triệu USD, tăng 11,7% về lượng, nhưng giảm 11,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, phần lớn các chủng loại cao su xuất khẩu đều sụt giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, xuất khẩu một số chủng loại cao su vẫn tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2022, trong đó đáng chú ý như: RSS1, cao su tái sinh, SVR CV40, SVR 5…, nhưng các chủng loại này chỉ chiếm tỉ trọng nhỏ trong tổng lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam.
Tại thị trường trong nước, trong tháng 6/2023, giá mủ cao su nguyên liệu trong nước biến động nhẹ, giá có xu hướng giảm trong mấy phiên gần cuối tháng, dao động quanh mức 220-277 đồng/TSC.
Tại Bình Phước giá mủ cao su nguyên liệu được Công ty cao su Phú Riềng thu mua ở mức từ 257 – 277 đồng/TSC, giảm 3 đồng/TSC so với cuối tháng trước. Tại Bình Dương, giá thu mua mủ cao su nguyên liệu của Công ty cao su Phước Hòa dao động ở mức 268-270 đồng/TSC, giảm 10 đồng/TSC so với cuối tháng trước. Giá mủ cao su tại Gia Lai được Công ty cao su Mang Yang thu mua với giá 220-230 đồng/TSC, giảm 5 đồng/TSC so với cuối tháng 5/2023.
Trên thị trường thế giới, trong tháng 6/2023, giá cao su tại các sàn giao dịch chủ chốt châu Á biến động mạnh, giá giảm mạnh trong mấy phiên gần cuối tháng do lợi nhuận tại các công ty cao su Trung Quốc giảm, các thương nhân chờ đợi các biện pháp kích thích mới từ Trung Quốc để củng cố sự phục hồi kinh tế đang chững lại của nước này.
Theo báo cáo tháng 5/2023 của Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), nhờ các hoạt động khai thác được nối lại sau thời gian ngưng cạo mủ do trong mùa thay lá, sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu trong tháng 5/2023 ước đạt 1,006 triệu tấn, tăng 12,3% so với tháng 4/2023 và tăng 0,3% so với tháng 5/2022; trong khi nhu cầu cao su tự nhiên toàn cầu phục hồi với tốc độ nhanh hơn, ước tính tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2022, lên 1,272 triệu tấn trong tháng 5/2023.
Như vậy, thị trường thế giới đã thiếu hụt 266 nghìn tấn cao su tự nhiên trong tháng 5/2023. ANRPC cho rằng, do thiếu hụt nguồn cung, các nguyên tắc cơ bản của thị trường cao su tự nhiên tương đối tích cực.
Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị kéo dài giữa Nga với Ukraina, chi phí vốn vay cao, sự phục hồi theo mô hình chữ K ở cả hai quốc gia tiêu thụ chính là Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như giá dầu thô Brent giảm đã làm lu mờ sự hỗ trợ của các yếu tố cơ bản trên thị trường.
Kỳ vọng khởi sắc trong năm 2024
Theo đánh giá của Tập đoàn Cao su Việt Nam, mặc dù Trung Quốc đã mở cửa nhưng sức tiêu thụ vẫn chậm. Các sản phẩm cao su đa phần đều phục vụ cho tiêu dùng, chỉ một ít dùng cho sản xuất lốp xe tải.
Với tình hình kinh tế thế giới hiện tại, lạm phát cao, khiến người dân thắt chặt tiêu dùng, dẫn đến nhu cầu về cao su vẫn không thể cao. Sức tiêu thụ còn yếu, dự báo từ nay đến cuối năm 2023, giá cao su xuất khẩu sẽ khó có thể phục hồi. Tập đoàn Cao su Việt Nam kỳ vọng từ năm 2024 trở đi sẽ ổn định hơn, nhu cầu cũng như giá cả cao su sẽ đi lên.
Theo các chuyên gia trong ngành, nhu cầu cao su tự nhiên của thế giới vẫn trong xu hướng tăng và sự chênh lệch cung thấp hơn cầu là cơ hội lớn để Việt Nam gia tăng sản lượng cao su tự nhiên, tăng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngành cao su cũng có nhiều thuận lợi khi được Nhà nước công nhận là “cây đa mục tiêu”, vừa góp phần phát triển kinh tế đất nước, vừa cải thiện điều kiện kinh tế – xã hội cho vùng nông thôn, đồng thời phủ xanh đất trống, rừng nghèo để góp phần bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh đó, để hóa giải những thách thức, ngành cao su xác định việc đẩy mạnh phát triển theo hướng bền vững và tập trung xây dựng thương hiệu ngành là hai trụ cột chính để đáp ứng xu hướng thị trường và yêu cầu của khách hàng quốc tế cũng như nâng cao giá trị sản phẩm. Hiện nhiều doanh nghiệp đang nỗ lực đạt các chứng chỉ quản lý rừng bền vững, chứng chỉ chuỗi hành trình cho các vườn cây cao su.
Điển hình như tại Tập đoàn Cao su Việt Nam, ông Trương Minh Trung, Phó tổng giám đốc cho biết, tính đến tháng 3/2023, đã có 26 thành viên của tập đoàn hoàn thành phương án quản lý rừng bền vững với diện tích 274.320 ha; 17 thành viên được cấp chứng nhận quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn VFCS, PEFC-FM với gần 110.000 ha cao su. Có 31 nhà máy chế biến cao su thiên nhiên và 2 nhà máy gỗ trong tập đoàn đã đạt chứng nhận về chuỗi hành trình sản phẩm (PEFC-CoC). Ngoài ra còn có 1 thành viên đã được đánh giá cấp chứng nhận nguồn có kiểm soát. Trong năm 2022, các công ty thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam đã tiêu thụ được 41.500 tấn mủ cao su các loại có chứng chỉ PEFC đến khách hàng.
Theo tạp chí Hải Quan, hiện nay, chủ trương của Chính phủ là không mở rộng diện tích cao su nên việc tăng năng suất qua sử dụng giống cao sản, cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, tiếp tục nghiên cứu phát triển bền vững là những yếu tố giúp ngành cao su Việt Nam gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Do đó, ông Võ Hoàng An, Tổng thư ký Hiệp hội cao su Việt Nam cho biết, để tiếp tục phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Cao su Việt Nam”, thời gian tới, Hiệp hội cao su Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện công tác giám sát định kỳ, gia hạn, cấp mới nhãn hiệu hàng năm; khuyến khích các hội viên tại Lào, Campuchia và khối tư nhân tham gia đăng ký. Hiệp hội cũng sẽ tiếp tục thực hiện đăng ký bảo hộ tại một số thị trường trọng điểm, đồng thời nghiên cứu và đề xuất các cơ quan bộ, ngành có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hội viên đạt nhãn hiệu nhằm củng cố uy tín, nâng cao chất lượng thương hiệu Cao su Việt Nam.
Hiệp hội cao su Việt Nam cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước thực hiện các nghiên cứu, khảo sát, dự án liên quan đến phát triển bền vững theo hướng thuận lợi cho hội viên và ngành cao su. Cùng với đó, thúc đẩy, hỗ trợ hội viên, doanh nghiệp ngành cao su triển khai các phương thức quản lý tiên tiến, kinh doanh tuân thủ thông lệ quốc tế, ứng dụng công nghiệp 4.0, hướng đến phát triển bền vững.
Minh Hoa (t/h)