Luỹ kế 2 tháng đầu năm 2024, FPT thu về 1.137 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 23% so với cùng kỳ và hoàn thành 14,5% kế hoạch đề ra.
Công ty Cổ phần FPT (HoSE: FPT) vừa công bố kết quả kinh doanh 2 tháng đầu năm 2024 tích cực với doanh thu ước đạt 8.966 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.567 tỷ đồng, lần lượt tăng 23% và 19,5% so với cùng kỳ 2023.
Khấu trừ đi các chi phí, FPT thu về 1.137 tỷ đồng lãi sau thuế, tăng 23% so với cùng kỳ. Trong đó, lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ tăng 20% lên mức 1.137 tỷ đồng, thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) đạt 896 đồng/cổ phiếu.
Trong năm 2024, FPT lên kế hoạch tăng trưởng 18% với mục tiêu đem về 61.850 tỷ đồng doanh thu và 10.875 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Như vậy, với kết quả đạt được sau 4 tháng đầu năm, tập đoàn đã hoàn thành 14,5% kế hoạch đề ra.
Về cơ cấu doanh thu, khối công nghệ vẫn giữ vai trò chủ lực khi ghi nhận 4.354 tỷ đồng doanh thu và 658 tỷ đồng lãi trước thuế, lần lượt tăng 26% và 28% so với cùng kỳ.
Theo tập đoàn, mảng dịch vụ công nghệ thông tin thị trường nước ngoài trong 2 tháng đầu năm tiếp tục tăng trưởng mạnh với mức doanh thu 4.354 tỷ đồng, tăng 30%. Dẫn đầu là sức tăng đến từ thị trường Nhật Bản với mức tăng 30,8% và APAC với mức tăng 36,8%.
Khối lượng đơn hàng ký mới tại thị trường nước ngoài đạt 5.797 tỷ đồng, giảm nhẹ 13,5%, chủ yếu do FPT đã đẩy sớm việc ký mới ngay trong tháng 12/2023. Lũy kế 2 tháng đầu năm 2024 và tháng 12/2023, khối lượng đơn hàng ký mới tăng trưởng 37,3% so với cùng kỳ năm trước.
Giá trị đơn hàng thắng thầu và đang trong giai đoạn xúc tiến ký kết trong 2 tháng đầu năm, tăng trên 30% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, mảng dịch vụ công nghệ thông tin trong nước, doanh thu tăng 10,4% lên 847 tỷ đồng.
Đối với khối dịch vụ viễn thông, FPT ghi nhận tăng trưởng 4,9% lên 2.638 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng 8,2% lên 476 tỷ đồng.
Cuối cùng, mảng giáo dục ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu lên đến 71,5%, đạt 1.126 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ghi nhận đạt 433 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên ngày 22/3, mã FPT giảm 1,12% xuống 114.900 đồng/cổ phiếu. Dù vậy, mã này vẫn đang ở vùng đỉnh lịch sử và cao gấp 3,1 lần so với đầu năm 2021.
Cú bứt phá đẩy giá trị vốn hóa của FPT chạm mốc 145.919 tỷ đồng (5,9 tỷ USD), tăng 28.000 tỷ đồng từ đầu năm 2024. Con số này cũng đưa FPT tiến sát top 10 doanh nghiệp niêm yết giá trị nhất sàn chứng khoán sau nhiều năm vắng bóng.
Trần Thị Tú Anh