Giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu thế giới.
Lùi ngày điều chỉnh giá xăng dầu trong nước, dự báo giá có thể giảm
Thông tin trên báo Vietnamnet, theo lịch, ngày hôm nay (1/10) là đến kỳ điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước theo chu kỳ 10 ngày một lần. Nhưng do trùng với ngày nghỉ Chủ nhật nên theo quy định tại Nghị định 95/2021/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, kỳ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu sẽ được chuyển sang ngày đi làm đầu tiên của tuần làm việc mới, tức là ngày thứ Hai (2/10).
Đặc biệt thời gian gần đây giá bán lẻ xăng dầu trong nước đang chịu tác động trực tiếp từ giá xăng dầu thế giới và giá xăng dầu thành phẩm tại thị trường Singapore.
Giá xăng dầu thế giới tuần qua giảm nhẹ. Giá dầu Brent kết tuần ở mức 92,2 USD/thùng, còn giá dầu WTI ở mức 90,79 USD/thùng. Giá dầu đi xuống do các nhà đầu tư chốt lời và do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.
Nhận định về giá xăng dầu tại kỳ điều hành ngày mai (2/10), lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu cho biết, ở kỳ điều hành này, giá xăng thành phẩm bình quân trên thị trường Singapore giảm tương đối mạnh so với kỳ trước và giá dầu thế giới cũng có xu hướng giảm. Do đó, giá xăng bán lẻ trong nước vào ngày mai có thể giảm theo.
Theo dự báo, trong kỳ điều hành ngày mai, nếu cơ quan điều hành không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) thì giá xăng trong nước có thể giảm từ 800-1.200 đồng/lít tùy loại. Còn giá dầu có khả năng giữ nguyên.
Trong trường hợp liên bộ Công Thương – Tài chính trích Quỹ BOG thì giá bán lẻ xăng trong nước vào ngày mai có thể giảm ít hơn.
Nếu dự báo trên là chính xác thì giá xăng ngày mai sẽ đảo chiều giảm sau lần được điều chỉnh tăng mạnh vào ngày 21/9.
Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 27 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.
Trong kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 21/9), giá xăng dầu được điều chỉnh tăng mạnh.
Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 được điều chỉnh tăng 720 đồng/lít, lên 24.190 đồng/lít. Giá xăng RON 95 tăng 870 đồng/lít, giá lên mức 25.740 đồng/lít.
Giá dầu diesel tăng 540 đồng/lít, giá bán là 23.590 đồng/lít. Giá dầu hoả tăng 630 đồng/lít, giá bán không cao hơn 23.810 đồng/lít. Giá dầu mazut tăng 140 đồng/lít, lên 17.840 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, cơ quan điều hành không trích lập nhưng chi sử dụng Quỹ BOG đối với xăng E5 RON 92, xăng RON 95, dầu diesel và dầu hỏa ở mức 300 đồng/lít
Bộ Tài chính cho hay, số dư Quỹ BOG đến hết ngày 31/3/2023 là hơn 5.640 tỷ đồng. Sang đến quý II, số dư tiếp tục tăng lên nhanh chóng do tăng cường trích lập, hạn chế chi quỹ. Đến hết ngày 30/6, số dư Quỹ lên tới 7.424,7 tỷ đồng.
Sang quý 3, mức độ trích lập Quỹ giảm đáng kể để giảm bớt áp lực lên giá bán lẻ trong bối cảnh giá xăng dầu tăng.
Biến động giá xăng dầu thế giới
Theo báo Quân Đội Nhân Dân, giá dầu đã kết thúc phiên giao dịch đầy biến động đầu tiên của tuần trong trạng thái trái chiều với dầu Brent tăng 2 cent, dầu WTI giảm 35 cent. Trong phiên giao dịch này, giá dầu chịu tác động mạnh bởi 2 nhân tố. Một là Moscow dỡ bỏ các hạn chế xuất khẩu đối với nhiên liệu được sử dụng làm nhiên liệu cho một số tàu và dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh cao nhưng vẫn giữ nguyên lệnh cấm xuất khẩu tất cả các loại xăng và dầu diesel chất lượng cao. Hai là các nhà đầu tư chú ý đến vấn đề lãi suất tăng cao có thể hạn chế nhu cầu.
Đáng chú ý sau những giờ “loạng choạng” ở phiên giao dịch mở tuần và đầu phiên giao dịch thứ 2 của tuần xuống mức thấp nhất trong 2 tuần.
Tại phiên giao dịch thứ 3 của tuần, giá dầu đã tăng vọt tới 3% lên mức cao nhất trong năm 2023, sau khi tồn kho dầu thô của Mỹ giảm mạnh làm gia tăng lo ngại về nguồn cung toàn cầu thắt chặt. Trong phiên, giá dầu đã chạm mức 97,69 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 11-2022, dầu WTI chạm mức 95,03 USD/thùng – mức cao nhất kể từ tháng 8-2022.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu thô của nước này đã giảm 2,2 triệu thùng trong tuần trước xuống 416,3 triệu thùng, gấp gần 7 lần so với dự đoán của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters. Cũng theo EIA, tồn kho dầu thô tại Cushing, Oklahoma, trung tâm lưu trữ, điểm phân phối dầu thô kỳ hạn của Mỹ, giảm 943.000 thùng trong tuần xuống dưới 22 triệu thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 7-2022.
Thông tin trên báo Công Thương, giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi yếu tố nguồn cung. Việc Nga và Saudi Arabia gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện 1,3 triệu thùng/ngày đến cuối năm và thông tin về việc dự trữ dầu thô của Mỹ giảm mạnh hơn dự kiến là những yếu tố gây lo ngại về nguồn cung, đẩy giá dầu tăng cao.
Các nhà phân tích đang chờ xem liệu nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới Saudi Arabia có tăng nguồn cung hay không.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (còn gọi là OPEC+) sẽ họp vào ngày 4/10 tới đây để xem xét các vấn đề về nguồn cung hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng nếu OPEC+ vẫn duy trì cắt giảm sản lượng thì có khả năng giá dầu sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa. Song những lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu khi các nền kinh tế lớn tiếp tục duy trì lãi suất ở mức cao là yếu tố kìm hãm đà tăng của giá dầu.
Giá bán lẻ xăng dầu trong nước ngày 1/10 Xăng E5 RON 92 không quá 24.197 đồng/lít. Xăng RON 95 không quá 25.748 đồng/lít. Dầu diesel không quá 23.594 đồng/lít. Dầu hỏa không quá 23.816 đồng/lít. Dầu mazut không quá 17.847 đồng/kg. Tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 27 lần điều chỉnh, trong đó có 16 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên. |
Trúc Chi (t/h)