Home Kinh doanh Chuyển động Grab là gì trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Grab là gì trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

0

Uber và Grab đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự ở quy mô thế giới và Việt Nam, về sự thuận tiện và chi phí thấp, qua cung cấp dịch vụ gọi xe. Điều đó, liệu có thể coi là đóng góp cho cách mạng công nghiệp 4.0 ở nước ta?

Lịch sử 4 cuộc cách mạng công nghệ của nhân loại

Cách mạng công nghiệp 4.0 là gì?

Cách mạng Công nghiệp 4.0 (hay Cách mạng Công nghiệp lần thứ Tư) xuất phát từ khái niệm “Industrie 4.0” trong một báo cáo của chính phủ Đức năm 2013.

Theo đó, “Industrie 4.0” được định nghĩa là sự kết nối các hệ thống nhúng và cơ sở sản xuất thông minh để tạo ra sự hội tụ kỹ thuật số giữa Công nghiệp, Kinh doanh, chức năng và quy trình bên trong.

Cụ thể, cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý, và được đánh giá là đang tiến triển theo một hàm số mũ chứ không phải là tốc độ tuyến tính, khi được so sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây.

Hơn nữa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phá vỡ hầu hết ngành công nghiệp ở mọi quốc gia. Và chiều rộng và chiều sâu của những thay đổi này báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Trước cuộc cách mạng 4.0, cách mạng công nghiệp lần đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất.

Cuộc cách mạng lần 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.

Cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0 đang nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học.

Ba yếu tố “cốt lõi” của Kỹ thuật số trong CMCN 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Tại Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nhận được sự quan tâm rất lớn từ Chính phủ, doanh nghiệp, đến cả người dân, và hiện nay nhiều hành động mạnh mẽ với kỳ vọng thúc đẩy cuộc cách mạng công nghiệp mới này.

Mới đây, Tập đoàn hàng đầu Việt Nam là Vingroup cũng đã tuyên bố đầu tư vào AI và Big Data với mục tiêu thành tập đoàn Công nghệ – Công nghiệp – Dịch vụ đẳng cấp quốc tế.

Và Vingroup cũng đang thực hiện cuộc “cách mạng” công nghiệp này thông qua việc thành lập công ty VinTech, trung tâm dữ liệu lớn Vin Hi-Tech và đẩy mạnh sản xuất ô tô cùng các sản phẩm điện thông minh, gia dụng.

Những gì mà Vingroup đã gắn liền với những yếu tố định hình lên cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data).

Trước đó, trên cơ sở nền tảng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã được nhiều tập đoàn như: Viettel, FPT, BKAV… hướng đến với những hoạt động đầu tư mạnh tay vào nhiều lĩnh vực liên quan.

Về khái niệm, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được vận hành trên những “giá trị cốt lõi” riêng của nó dựa trên nền tảng là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 3 là sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất.

Hiện nay, rất nhiều công ty, tổ chức cũng đang có những hoạt động góp phần tạo lên cách mạng công nghiệp 4.0, tuy nhiên, các công ty, tổ chức này 4.0 đến đâu thì vẫn là một dấu hỏi lớn.

Đơn cử, trong số đó là Grab luôn cho rằng đang đóng góp cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, vậy xem xét hoạt động của Grap là gì trong các yếu tố cấu thành lên cuộc cách mạng công nghiệp này: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) hay là dữ liệu lớn (Big Data)?

Grab đóng góp gì cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam?

Nếu nhìn vào cách thức hoạt động Grab hiện tại thì thật khó để xếp loại hình của Grab vào một trong 3 yếu tố cốt lõi trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kể trên.

Đơn giản, cách thức hoạt động Grab là cung cấp ứng dụng trên điện thoại thông minh nhằm kết nối khách hàng với tài xế, và Grap ăn % trên mỗi cuốc xe.

Ngoài ra, ứng dụng Grapbike hay Grapcar cũng chỉ là một trong số hàng triệu ứng dụng đang được cung cấp trên Smartphone.

Về mặt nguyên lý, Grab hoạt động không khác gì những công ty thương mại điện tử cung cấp trang web và ứng dụng mang lại tiện ích cho người dùng như: Lazada, Shopee, Sendo… Trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ gọi xe thì có cả Uber, Go-viet, ứng dụng BE mới ra mắt…

Hoạt động của công ty “công nghệ” này chủ yếu là vận chuyển hàng hóa và con người trong đó có áp dụng công nghệ.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan thì Grap cũng đang cung cấp ra thị trường một số ứng dụng phần mềm, đơn giản việc kết nối đem lại những giá trị nhất định cho khách hàng cũng như “đối tác” của hãng.

Grap đúng là đã góp phần tạo lên một cuộc “cách mạng” trong ngành vận chuyển. Nhưng để đặt Grap như là một yếu tố trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là không “xứng tầm”, và kể cả những giá trị Grap mang lại so sánh với cuộc cách mạng lần 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất thì còn thua vài bậc.

Lưu ý, Grap cũng chỉ là một công ty ăn theo Uber và Uber mới là khởi tạo ra ứng dụng công nghệ cho cuộc cách mạng di chuyển.

Không những thế, Grap cũng đang gặp vấn đề lớn về pháp lý tại Việt Nam. Mới đây, tại phiên tòa Vinasun kiện Grab ngày 28/12, Tòa đã nhận định Grab là đơn vị kinh doanh vận tải.

Cụ thể, Tòa cho rằng: Cần xem Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để quản lý, đảm bảo sự bình đẳng trong kinh doanh. Bảo hiểm xã hội và cơ quan chức năng cần làm việc với Grab để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Grab vào Việt Nam đã cung cấp dịch vụ bắt xe bằng công nghệ thuận lợi cho người dân, việc này cần khuyến khích để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội. Tuy nhiên, còn nhiều tồn tại do cơ quan chức năng không quản lý được hoạt động của các tài xế; khả năng thất thu thuế cao, dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh… HĐXX kiến nghị.

Có thể nhận thấy, hãng Grab cũng đã mang lại nhiều tác dụng nhất định nhưng việc gắn liền hoạt động của “hãng công nghệ” này với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì quá khập khiễng.

Và việc Grab đã có những phát biểu “ăn theo” cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, không có gì ngoài mục đích đem lại lợi ích cho doanh nghiệp và sự ủng hộ của khách hàng.

Minh chứng cụ thể là Grab đã vào thị trường Việt Nam đã được vài năm, nhưng sự đóng góp của hãng này cho việc phát triển “công nghiệp” nước ta mà đặc biệt là những yếu tố trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà cụ thể ở đây là sự phát triển về khoa học công nghệ hay nghiên cứu vẫn rất hạn chế.

Vậy Grab đã đóng góp được gì vào cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam và tương lai Grab có ghi dấu ấn vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay không vẫn là câu hỏi khó?

Qua đây, cũng cho thấy, cần thiết phân định rõ ràng đâu mới là hành động mang lại giá trị thực sự cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để có thể thúc đẩy cuộc cách mạng này tại Việt Nam sớm đi tới đích.

Theo Trí Anh/VietnamFinance