Kinh nghiệm 20 năm trong việc nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính, Luật Đầu tư, Luật DN ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) chia sẻ: DN gặp khó khăn khi xin giấy phép là do số ngành nghề kinh doanh có điều kiện còn quá lớn. Cần cắt giảm thực chất, thuận lợi hóa môi trường đầu tư để phát triển DN, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững của Việt Nam.
Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư (CIEM)
Chỉ 1/3 là thay đổi thực chất
Ông có nhận xét gì về những mặt được và chưa được trong cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam năm qua?
– Chương trình cắt giảm điều kiện kinh doanh (ĐKKD) đang được Chính phủ đẩy mạnh. Hầu như tại các phiên họp hàng tháng của Chính phủ, Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến vấn đề này. Mục tiêu của Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 đều hướng đến việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN mang tính đột phá mạnh mẽ. Nhất là NQ19 đã được ban hành đều đặn trong 5 năm qua nhằm cắt giảm ĐKKD, giảm 50% danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành. Hầu hết Chính phủ đều giao nhiệm vụ cụ thể tới từng bộ, ngành.
Năm nay tất cả các bộ vào cuộc phần nào đó có tích cực nhưng phần lớn là theo kiểu sức ép phải làm không phải vì mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh và vì sự phát triển của DN. Theo báo cáo của các bộ thì hầu hết đạt hoặc vượt chỉ tiêu cắt giảm 50% số ĐKKD. Nhưng khi rà soát thấy rằng nhiều nội dung chưa thực chất. 50% nhưng chủ yếu chỉ ở sửa đổi, còn tỷ lệ bãi bỏ không cao. Chủ yếu bằng cách viết lại câu, tìm chữ viết khác… vẫn còn không ít trong các dự thảo CIEM tiếp cận được. Nhiều ĐKKD ngành này cắt, nhưng bộ khác lại giữ. Mức độ cải thiện là chưa đồng đều giữa các lĩnh vực, các địa phương. Cách quản lý thiên về tiền kiểm hơn là quản lý ưu tiên cơ sở và mức độ tuân thủ DN. Kết nối thông tin một cửa quốc gia vẫn rất chậm…
Đề cao trách nhiệm cá nhân gắn với tăng cường giám sát
Chính phủ quyết liệt nhưng vì sao vẫn chưa được như mong muốn?
– Nguyên nhân ngay từ khâu ban hành văn bản của các bộ ngành nửa vời nên đã tạo dư địa cho cấp dưới thực thi làm “tùy nghi, tùy ý”. Những quy định bất hợp lý không phù hợp gây khó khăn cho DN và tình trạng tham nhũng vặt vẫn tồn tại. Việc giải quyết vẫn tuỳ thuộc vào thái độ làm việc của cán bộ công chức. Họ hăng hái thì nhanh, còn khi cố tình gây khó khăn thì tốn kém.
“Hiện có 7 ngành nghề cấm đầu tư kinh doanh và 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Ngoài ra còn có 19 hàng hóa cấm kinh doanh, 5 dịch vụ cấm kinh doanh, 7 hàng hóa hạn chế kinh doanh và 1 dịch vụ hạn chế kinh doanh; có 92 loại hàng hóa, dịch vụ kinh doanh có điều kiện; 20 loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền nhà nước. ” – Kết quả rà soát các ĐKKD của VCCI, CIEM
Điều tra năm 2017 của VCCI cho thấy, vẫn có 58% DN phải xin giấy phép kinh doanh có điều kiện, và 42% trong số đó gặp khó khăn khi xin giấy phép
Trên thực tế muốn đánh giá được thực chất quá trình cắt giảm ĐKKD phải trải qua 2 công đoạn. Thứ nhất, là quá trình rà soát. Qua đó, đánh giá được tỷ lệ phần trăm cắt giảm và đơn giản hóa. Những ĐKKD không cần thiết, không hợp lý, tạo ra sự tùy ý, tùy tiện ở cơ quan quản lý nhà nước thì phải cương quyết loại bỏ.
Thứ hai, sau khi quá trình cắt giảm và đơn giản hóa thành công, phải giám sát được kết quả thực hiện quá trình này. Cụ thể, cắt giảm bao nhiêu thủ tục, điều kiện; chất lượng của việc cắt giảm các thủ tục đến đâu; tiết kiệm được bao nhiêu thời gian, bao nhiêu tiền bạc cho DN và DN phải thực sự cảm nhận được. Đồng thời, cần có đánh giá độc lập, giám sát việc thực hiện quá trình cắt giảm, tránh tình trạng chạy theo con số, thành tích mà người dân, DN không được hưởng lợi.
Bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Cái Lân.
Trong cắt giảm ĐKKD, ông thấy những ngành nào, bộ nào còn chưa tích cực? Chỉ số cải thiện nào còn yếu?
– Kết quả khảo sát tại một số bộ cho thấy, trung bình khoảng hơn 30% số ĐKKD đã được cắt bỏ và sửa đổi thực chất, tạo thuận lợi cho DN, song rào cản về ĐKKD vẫn còn khá phổ biến. Hai lĩnh vực thành lập DN và tiếp cận điện năng được DN ghi nhận có nhiều chuyển biến nhất trong thời gian qua. Ngược lại, các thủ tục về phá sản DN, lĩnh vực bảo vệ nhà đầu tư và thủ tục xuất nhập khẩu chậm chuyển biến.
Có rất nhiều vướng mắc trong ngành công thương nhiều năm trước không giải quyết được mà kỳ này đã giải quyết nhanh chóng. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng từ DN lên, ở mức độ nào đó thấu hiểu được những khó khăn của DN. Bộ, ngành nào có người đứng đầu thực hiện quyết liệt, tích cực, việc cắt giảm diễn ra mạnh mẽ. Việc cắt giảm ĐKKD, cải thiện môi trường đầu tư cần những người hành động vì sự thuận lợi của DN, phải theo đúng nghĩa là mở cơ hội kinh doanh cho DN.
Cải cách phải liên tục
Chính phủ đang xây dựng dự thảo Nghị quyết 19/2019, theo ông lần này cần đưa ra những điểm gì có tính đột phá?
– Khởi xướng từ 2014, đến nay đã có 5 Nghị quyết 19, Chính phủ cần duy trì cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh như một điểm nóng trong chương trình làm việc của mình. Lần này cần giao cụ thể cho từng bộ trưởng. Những Nghị quyết trước đây là đưa ra giải pháp, cuối cùng không ai chịu trách nhiệm. Hiện cần giao mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, còn giải pháp thế nào tự bộ ngành đó quyết định. Như vậy mới tạo sự chủ động và tạo sức ép cho các bộ.
Công bố “Danh mục điều kiện đầu tư, kinh doanh” trong đó quy định rõ các bộ, UBND tỉnh, TP không được ban hành các văn bản pháp quy biến tướng của “giấy phép con” trái với Nghị định. Nếu cơ quan thực thi làm lệch, biến tướng phải chịu trách nhiệm, cần thay thế những cán bộ cản trở, nhũng nhiễu.
Đẩy mạnh chính phủ điện tử, một nền hành chính số. Theo đó, các thủ tục hành chính được định danh rõ ràng ở “cấp độ 4” không giấy tờ, không tiếp xúc giữa người đi xin với người giải quyết thủ tục. Khi làm như vậy chắc chắn sẽ giảm tham nhũng vặt, giảm được tuỳ nghi tuỳ ý gây khó khăn cho DN.
Nhiều ý kiến cho rằng, cải thiện môi trường kinh doanh không chỉ đặt mục tiêu ASEAN 4 mà còn phải so sánh với các nước mà Việt Nam đã ký kết FTA, ý kiến của ông thế nào?
– Nếu so sánh trong khu vực ASEAN thì Việt Nam vẫn chưa lọt được vào top bốn nước đứng đầu. Với vị trí 69, Việt Nam vẫn còn khoảng cách khá xa so với Singapore (thứ 2), Malaysia (thứ 15) hay Thái Lan (thứ 27). Như vậy, để thứ hạng Việt Nam tăng mạnh mẽ hơn nữa thì cần có sự chuyển động đồng đều và mạnh mẽ của tất cả các ngành và lĩnh vực.
Đặt ra mục tiêu so với các nước đã ký kết FTA là quan trọng hướng đến những chuẩn mực chung mang tính thị trường. Song quan trọng nhất vẫn là chất lượng bởi vì mọi cải cách đều hướng đến thực chất. Nếu không cải thiện được thì có nguy cơ sản phẩm nước ngoài tràn vào thì sản phẩm trong nước khó mà cạnh tranh được do những bất cập, vướng mắc từ các thủ tục, ĐKKD tạo ra.
Cuối cùng tôi vẫn muốn nói rằng: Chương trình cắt giảm ĐKKD đang được Chính phủ đẩy mạnh nhưng để bền vững và thực chất cần phải liên tục vì các thủ tục, điều kiện chỉ chờ cơ hội là quay lại rất nhanh. Vấn đề quan trọng nhất là làm sao kiểm soát được các thủ tục không quay trở lại.
Xin cảm ơn ông!
Theo Nguyên Anh/Thời báo Chứng Khoán