Ninh Bình xác định lấy du lịch sinh thái, du lịch xanh, gắn với văn hóa, lịch sử, di sản là một trong những điểm quan trọng để tạo nên thương hiệu cho du lịch Ninh Bình.
Du lịch Ninh Bình đang có những bước phát triển mạnh mẽ; các khu, điểm du lịch được hình thành và phát triển mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đặc biệt, sau khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới vào tháng 6/2014, ngành du lịch tỉnh đã tạo thêm nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Báo Điện tử Chính phủ đã cuộc trao đổi với ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, về định vị thương hiệu du lịch của Ninh Bình và tiềm năng cũng như định hướng phát triển du lịch trong thời gian tới.
Ninh Bình được biết đến là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, được tạo hóa ưu đãi, ban tặng nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo, xin ông cho biết trong thời gian tới, Ninh Bình sẽ định vị thương hiệu du lịch của mình như thế nào để hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Việt Nam?
Ông Bùi Văn Mạnh: Ninh Bình xác định lấy du lịch sinh thái, du lịch xanh, gắn với văn hóa, lịch sử, di sản là một trong những điểm quan trọng để tạo nên thương hiệu cho du lịch Ninh Bình.
Hiện nay, Ninh Bình đang định vị là một trong những điểm đến của những kỳ quan. Ninh Bình là một trong những điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Chúng tôi đang chú trọng đến chất lượng để chuyển đổi từ số lượng sang chất lượng; nâng thương hiệu của Ninh Bình từ điểm đến ở tầm quốc gia lên tầm quốc tế với tính chuyên nghiệp được nâng lên.
Theo ông, cần “đánh thức” giá trị di sản như thế nào để phát triển một cách bền vững, gắn văn hóa với du lịch, tạo động lực để du lịch Ninh Bình “cất cánh”, thưa ông?
Ông Bùi Văn Mạnh: Chúng tôi luôn coi giá trị sản văn hóa vật thể và phi vật thể là nguồn lực quan trọng để phát triển du lịch. Trong thời gian vừa qua, UBND tỉnh Ninh Bình đã có chiến lược rõ ràng về khai thác các giá trị văn hóa; có đề án rất cụ thể để tôn tạo, phục dựng lại các giá trị văn hóa lịch sử, lấy điều đó làm nền tảng để phát triển các sản phẩm phục vụ du lịch.
Hiện nay, chúng tôi đang triển khai thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tiếp tục tôn tạo, khai thác các di tích lịch sử văn hóa; lấy chiều sâu văn hóa của cố đô Hoa Lư, Di sản thế giới Tràng An để phát triển các sản phẩm du lịch gắn với thương hiệu của Ninh Bình mang đến bản sắc riêng của cố đô Hoa Lư.
Du lịch di sản được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của Ninh Bình. Chúng tôi đang dựa trên việc đẩy mạnh quảng bá, khai thác các giá trị Di sản Văn hóa thế giới Tràng An để tạo ra những sản phẩm mang màu sắc, đặc trưng riêng của vùng đất cố đô Hoa Lư.
Với tài nguyên du lịch thiên nhiên phong phú, Ninh Bình sẽ có những định hướng phát triển du lịch “xanh” như thế nào để bảo đảm yếu tố bảo vệ môi trường vừa bảo đảm tăng trưởng “xanh” cho địa phương, thưa ông?
Ông Bùi Văn Mạnh: Chiến lược xuyên suốt của Ninh Bình là phát triển du lịch xanh, phát triển du lịch bền vững và dựa vào cộng đồng. Để thực hiện được mục tiêu này cần phải dựa vào 3 trụ cột chính là người dân, doanh nghiệp và nhà nước.
Chúng tôi có chiến lược cụ thể để triển khai từng bước một, khi đầu tư phát triển du lịch phải tôn trọng giá trị tự nhiên, tôn trọng giá trị lịch sử văn hóa của địa phương một cách tối đa. Từ đó, chúng tôi giữ gìn, bảo vệ cảnh quan môi trường để tạo ra tài nguyên phát triển bền vững sản phẩm du lịch.
Hiện nay, chúng tôi đang đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường. Ninh Bình được đánh giá là mô hình điểm về bảo đảm hài hòa giữa phát triển và bảo vệ tài nguyên môi trường.
Thứ nhất, người dân được coi là trung tâm để phát triển du lịch xanh, phát triển bền vững. Khi bạn đến với Tràng An hay bất kỳ điểm du lịch nào ở Ninh Bình thì sẽ thấy việc giữ gìn, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp đều do người dân thực hiện.
Thứ hai là ý thức của doanh nghiệp khi đầu tư tôn tạo các điểm du lịch hay các di tích lịch sử văn hóa đều phải tôn trọng tối đa yếu tố tự nhiên, yếu tố lịch sử văn hóa để phục dựng lại cũng như phát triển các sản phẩm dịch vụ phù hợp với điều kiện tự nhiên và bảo vệ tài nguyên môi trường ở từng địa điểm đó.
Ngoài định hướng phát triển các sản phẩm du lịch xanh, du lịch dựa vào cộng đồng, tạo điều kiện cho người dân có sinh kế thì việc xây dựng các sản phẩm du lịch cao cấp được quan tâm phát triển như thế nào để phục vụ phân khúc khách cao cấp, thưa ông?
Ông Bùi Văn Mạnh: Hiện nay, chúng tôi đang phát triển du lịch theo chiều rộng, đó là phát triển phổ cho người dân, cho đại chúng và nhiều đối tượng khác nhau. Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng, các sản phẩm mang tính chất nền tảng.
Từng bước một, chúng tôi tạo điều kiện tối đa để thu hút các nhà đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tạo ra các sản phẩm du lịch chuyên nghiệp hơn, chất lượng hơn và những sản phẩm mang đẳng cấp quốc tế.
Hiện nay, Ninh Bình đã có một số khách sạn 5 sao, 4 sao. Đây là những sản phẩm mang tính chất chiến lược để chúng tôi từng bước nâng cao thương hiệu du lịch Ninh Bình, để Ninh Bình không chỉ là điểm du lịch tham quan thuần túy mà còn là điểm đến nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí, điểm đến du lịch hội nghị, hội thảo; không chỉ khách trong và ngoài nước mà còn phục vụ phân khúc khách cao cấp hơn nữa.
Định hướng trong thời gian tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh nâng cao chất lượng nghiệp vụ bằng việc đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng, tạo điều kiện tối đa để thu hút các nhà đầu tư để nâng cấp các sản phẩm dịch vụ của mình để bảo đảm tiêu chuẩn, ít nhất phải từ 4,5 sao trở lên.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông để thu hút khách cao cấp, đặc biệt là thị trường khách quốc tế.
Mặt khác, chúng tôi sẽ đa dạng hóa loại hình sản phẩm dịch vụ như có thêm điểm vui chơi về đêm hay những dịch vụ giúp cho du khách có thể mua sắm, tham quan, kéo dài thời gian lưu trú tại Ninh Bình. Khi có nhiều sản phẩm dịch vụ khác nhau ví dụ như mô hình phố cổ Hoa Lư vừa qua rất thành công sẽ được nhân rộng, tạo thêm điểm nhấn mới cho du lịch Ninh Bình.
Khi đến với Ninh Bình, du khách không chỉ tham quan, ngồi thuyền mà còn được tìm hiểu trải nghiệm văn hóa địa phương, mua sắm, tham gia các không gian vui chơi giải trí để du khách có những trải nghiệm thú vị hơn.
Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!
Diệp Anh