Home Kinh doanh Chuyển động PVN chuyển chiến lược sang ưu tiên thị trường nội

PVN chuyển chiến lược sang ưu tiên thị trường nội

0

Thành công trong việc đưa Nhà máy lọc hóa dầu (NMLHD) Nghi Sơn vào vận hành thương mại, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đặt mục tiêu ưu tiên sản phẩm sẽ hướng đến phục vụ nội địa và sẽ hoạt động theo cơ chế thị trường, cạnh tranh bình đẳng.

Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn xuất bán sản phẩm dầu DO đầu tiên. Ảnh: Khắc Kiên

Dự án hàng tỷ đô

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn là công trình trọng điểm quốc gia, được xây dựng trên diện tích 400ha tại Khu Kinh tế Nghi Sơn, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hoá. Công suất lọc dầu theo thiết kế đạt 200.000 thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm) sử dụng nguồn nguyên liệu dầu thô nhập khẩu từ Kuwait. Tổng vốn đầu tư của Dự án 9 tỷ USD. Các sản phẩm chính của Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn: Khí hóa lỏng LPG, Xăng (RON 92, 95), Dầu Diesel (cao cấp, thường), Dầu hoả, Nhiên liệu phản lực, nhựa Polypropylene, Para-xylene, Benzene và lưu huỳnh. Các nhà đầu tư góp vốn vào Dự án gồm Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) 25,1%, Công ty Dầu khí Quốc tế Kuwait (KPI/KPE) 35,1%, Công ty Idemitsu Kosan Nhật Bản (IKC) 35,1%, Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản (MCI) 4,7%. NSRP được thành lập bởi các nhà đầu tư theo Hợp đồng liên doanh ký ngày 7/4/2008 và Giấy chứng nhận đầu tư cấp ngày 14/4/2008.

Liên danh nhà thầu EPC do Công ty JGC Corporation (Nhật Bản) đứng đầu với giá trị hơn 5 tỷ USD được bắt đầu thực hiện từ ngày 22/7/2013. Trong quá trình triển khai, với quy mô lớn và công nghệ phức tạp, dự án đã gặp không ít thách thức, khó khăn, nhưng với sự quyết tâm thúc đẩy từ Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), các cổ đông nước ngoài, KPI, IKC và MCI và đặc biệt là PVN, Dự án đã đạt mốc hoàn thành cơ khí vào ngày 30/4/2017. Sau quá trình chạy kiểm định, ngày 14/11/2018, dự án đã đạt mốc nghiệm thu sơ bộ, kết thúc giai đoạn xây dựng và chuyển sang giai đoạn vận hành thương mại.

Không sụt giảm sản lượng

Để thấy được hết tầm quan trọng của dự án, chỉ nhìn vào con số, chi nhánh phân phối sản phẩm lọc dầu thực hiện việc tiêu thụ sản phẩm của NMLHD Nghi Sơn từ 1/10/2018, tính đến hết ngày 31/10/2018, tổng sản lượng chi nhánh cung cấp ra thị trường là khoảng 2.586.254 thùng sản phẩm (ước tính 336.000 tấn) các loại. Từ chỗ là nước phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn xăng dầu nhập khẩu, Việt Nam đã cơ bản tự đáp ứng được phần lớn nhu cầu xăng dầu nội địa nhờ NMLD Dung Quất và NMLHD Nghi Sơn. Với tổng sản lượng từ các NMLD Dung Quất và Nghi Sơn (khi vận hành 100% công suất) sẽ cung ứng ra thị trường trên 80% tổng nhu cầu xăng dầu nội địa.

Bàn về cơ chế thị trường, đại diện PVN cho biết, có thể trong một vài thời điểm, hay trong ngắn hạn sẽ có tình trạng thiếu thừa cục bộ do mùa vụ, thời tiết, diễn biến giá,… làm ảnh hưởng đến cán cân cung cầu, nhưng về cơ bản thị trường trong nước sẽ có sự chủ động, bình ổn hơn khi xăng dầu nhập khẩu không còn là yếu tố chi phối thị trường nội địa. Ngoài ra, việc NMLHD Nghi Sơn chạy thử, hoạt động chưa ổn định và bắt đầu đưa sản phẩm ra thị trường cũng đã có ít nhiều nhiều ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm của Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR). Tuy nhiên, thông tin sản lượng của BSR sụt giảm mạnh là không đúng. Việc NSRP xuất khẩu xăng là giải pháp ngắn hạn, cũng là tình huống của NSRP và các DN khác khi ứng phó với tình trạng dư cung nhất thời. Hiện các vướng mắc của công ty đã cơ bản được tháo gỡ.

Đánh giá về kỳ vọng giảm giá bán sản phẩm xăng dầu ra thị trường để cạnh tranh được với hàng nhập khẩu của hai nhà máy, đại diện PVN cho rằng, các DN kinh doanh xăng dầu đầu mối đang thực hiện nhập khẩu theo quota tối thiểu. Chính vì thế, sản phẩm sản xuất từ NMLHD Nghi Sơn cũng như Dung Quất luôn luôn phải cạnh tranh và phải cạnh tranh bình đẳng với các sản phẩm nhập khẩu nếu muốn tiêu thụ được, giá bán sản phẩm được quyết định hoàn toàn trên cơ sở thị trường. “PVN sẽ nỗ lực hướng sản phẩm tiêu thụ hoàn toàn ở thị trường nội địa để đảm bảo an ninh năng lượng và giảm các chi phí xã hội. Căn cứ Thỏa thuận hợp tác giữa PVN và Petrolimex (PLX), PLX sẽ ưu tiên tiêu thụ dài hạn sản phẩm của các nhà máy lọc dầu trong nước… trên nguyên tắc thị trường, cạnh tranh và cùng có lợi” – vị này khẳng định.

Dự án NMLHD Nghi Sơn được triển khai đã có những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội: Thu hút trên 20.000 lao động trong giai đoạn xây dựng Dự án (4 năm); tạo hơn 1.000 lao động trực tiếp, thường xuyên và hàng vạn lao động gián tiếp khi Dự án đi vào hoạt động; Giá trị các hợp đồng cung cấp dịch vụ cho Dự án hơn 1 tỷ USD, tiền thuế dự kiến thu hơn 10.000 tỷ đồng từ khi khởi công Dự án cho đến tháng 10/2018. Sau khi đi vào hoạt động, hàng năm Dự án sẽ đóng góp vào ngân sách khoảng 24,4 nghìn tỷ đồng/năm (với dự kiến giá dầu thô trung bình 50 USD/thùng)

Theo Khắc Kiên/Kinh tế & Đô thị