Trong gần 30 năm gắn bó với lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, bác sĩ CKII Hồ Cao Cường – Giám đốc chuyên môn, bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Sài Gòn đã không ít lần chạnh lòng với những trường hợp mà sự khó khăn về tài chính đã cản bước hành trình chạm tới ước mơ làm cha, làm mẹ của các cặp vợ chồng.
Việc nâng cao trình độ, tay nghề, kết hợp cùng với áp dụng công nghệ để nâng cao tỷ lệ điều trị thành công cho những người bị vô sinh, hiếm muộn đã trở thành mục tiêu hàng đầu của những người thầy thuốc trong lĩnh vực này.
Giấc mơ ươm mầm hạnh phúc từ sự đồng điệu
Bác sĩ CK II Hồ Cao Cường – Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Sài Gòn kể về một trường hợp vô sinh hiếm muộn đặc biệt mà mình đã điều trị gần đây: “Hai vợ chồng làm nghề bán tăm dạo, vợ phải di chuyển bằng xe lăn còn người chồng mất một bàn tay do tai nạn lao động. Khi đến với chúng tôi, tất cả tài sản của họ chỉ là một túi tiền, nhưng trong túi tiền ấy lại toàn những tờ tiền mệnh giá từ 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng… Đó là tất cả những gì mà cả hai đã dành dụm được trong suốt mấy năm liền. Họ ngại ngùng khi chìa tất cả gia tài đó của mình ra và nhờ chúng tôi giúp đỡ. Nhìn sự khát khao trong mắt của cả hai người khiến các y bác sĩ chúng tôi chạnh lòng. Lúc này, tôi hiểu rằng nhiệm vụ của mình là cố gắng hết sức để có thể thành công giúp hai vợ chồng thành công trong đợt chuyển phôi đầu tiên. Cuối cùng, sự may mắn cũng đã mỉm cười, đến nay bệnh nhân đang ở tháng thứ 5 của thai kỳ”.
Gần 30 năm gắn bó với lĩnh vực vô sinh, hiếm muộn, bác sĩ Hồ Cao Cường gặp không ít những trường hợp tương tự. Đó cũng là sự trăn trở lớn với ông và những người đồng nghiệp của mình. Trong suy nghĩ của nhiều người, điều trị vô sinh hiếm muộn vẫn là điều xa xỉ, thường chỉ dành cho những ai có điều kiện và thực tế, kinh tế vẫn là một rào cản lớn đối với nhiều cặp vợ chồng mong con, việc làm thế nào để nâng cao tỷ lệ thành công, rút ngắn quãng đường điều trị, tiết kiệm tối đa chi phí cho người bệnh đã trở thành thử thách lớn đối với những người làm nghề như ông.
Chính những tâm huyết ấy đã trở thành động lực để ông không ngừng học hỏi, nâng cao chuyên môn, tiếp cận các công nghệ hiện đại trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản. Tại Bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Sài Gòn, nơi bác sĩ Cường đang gắn bó, tỷ lệ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thành công không ngừng được nâng cao. Rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn đã thành công ngay trong lần thực hiện đầu tiên.

Kể về cái duyên đến với nghề, chia sẻ dí dỏm của bác sĩ Cường khiến nhiều người không khỏi bất ngờ: “vì nghèo”. Xuất phát điểm từ một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, xa quê, vừa học, vừa làm, vô cùng vất vả nhưng không ngăn cản giấc mơ được khoác lên mình chiếc áo blue trắng để chữa bệnh giúp người, giúp đời. Ngay từ giai đoạn đầu ngồi trên ghế giảng đường trường y, đi thực tập tại các bệnh viện lớn, mỗi ngày ông đều được tiếp xúc với hàng chục bệnh nhân. Tuy nhiên, những tiếng khóc chào đời, nụ cười và sự đáng yêu của trẻ sơ sinh đã đặc biệt hấp dẫn ông, tạo ra động lực, thôi thúc ông theo đuổi và gắn bó với lĩnh vực sản phụ khoa, giúp các chị em “vượt cạn thành công”, đem lại niềm hạnh phúc trọn vẹn cho các gia đình.
Cũng trong quá trình đó, ông thấu hiểu hơn ai hết những khát khao, những niềm đau của các bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân vô sinh hiếm muộn lại có hoàn cảnh khó khăn. “Trên cương vị của một người thầy thuốc, không có bất kỳ sự phân biệt nào đối với bệnh nhân. Dù giàu hay nghèo, dù miền xuôi hay miền ngược, đều mong muốn có được một hạnh phúc trọn vẹn, một gia đình vẹn toàn. Nhưng với các bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, quãng đường của họ thường dài và xa hơn, gian nan hơn”, bác sĩ Hồ Cao Cường chia sẻ. Đó cũng là lý do vì sao, suốt thời gian qua, bệnh viện Hỗ trợ sinh sản và Nam học Sài Gòn nơi bác sĩ làm việc đã có nhiều chương trình hỗ trợ, ưu đãi đặc biệt cho các cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn được triển khai, thành công giúp đem đến nhiều “phép màu” cho các gia đình.
Điều trị bệnh không chỉ cần thuốc, máy móc là đủ
Theo BSCKII Hồ Cao Cường việc điều trị vô sinh, hiếm muộn không chỉ là một thử thách về chuyên môn mà còn là cuộc chiến tâm lý đầy nhạy cảm và khắc nghiệt. Bệnh nhân, đặc biệt là phụ nữ, không chỉ chịu đựng nỗi đau thể xác trong quá trình điều trị, mà còn phải đối mặt với áp lực nặng nề từ gia đình, cộng đồng và và cả những định kiến xã hội vốn đã tồn tại từ lâu.
“Không ít lần, ngồi tư vấn với bệnh nhân mà cảm thấy chết lặng. Có trường hợp, bệnh nhân nữ, 42 tuổi, lặn lội từ miền Trung vào TP.HCM và tìm đến chúng tôi. Cả hai vợ chồng đã trải qua hành trình tìm con hơn 10 năm, đã đi qua nhiều trung tâm IVF nổi tiếng, qua nhiều lần chuyển phôi nhưng không thành công. Lần gần nhất, may mắn chị chuyển phôi đậu thai nhưng niềm vui chẳng tày gang, khi thai kỳ được 6 tuần, chưa kịp nghe được tiếng tim của con thì phát hiện thai lưu. Khi chia sẻ với bác sĩ, bệnh nhân đã bật khóc và tiết lộ rằng nếu không sinh được con, chị sẽ bị gia đình chồng hắt hủi. Hiện chị tuổi tác cũng lớn và đã trải qua quá nhiều lần thất bại, cũng muốn dừng lại nhưng nghiệt nỗi là chị không còn gì, ngay cả một chỗ nương thân trong chính ngôi nhà của mình cũng không còn được đảm bảo… Đó thực sự là một điều ám ảnh với chúng tôi”, bác sĩ Cường trăn trở về một trường hợp đã gặp và tư vấn gần đây.
Theo bác sĩ, giải quyết vấn đề tâm lý của các cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn cũng là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công: “Tâm lý ổn định không chỉ giúp tăng tỷ lệ thành công của quá trình thụ tinh nhân tạo mà còn hạn chế nguy cơ trầm cảm trong thai kỳ và sau sinh. Vì thế, kỹ năng trò chuyện, thấu cảm, chia sẻ và đồng hành với người bệnh là một phần không thể thiếu trong hành trang của người thầy thuốc”.

Để quyết định tỷ lệ thành công trong phương pháp thụ tinh ống nghiệm, theo bác sĩ CKII Hồ Cao Cường, có rất nhiều yếu tố. Đầu tiên là phác đồ điều trị, mỗi bệnh nhân sẽ được cá thể hóa riêng biệt và xem xét các bệnh lý đi kèm. “Có thể ví bác sĩ như một người đầu bếp, tuy chung một công thức nhưng với từng vị khách cần phải cân chỉnh gia vị sao cho phù hợp với từng trường hợp. Điều quan trọng là làm thế nào để tỷ lệ thành công được cao nhất và tiết kiệm chi phí cho người bệnh. Sau khi có được phác đồ thích hợp, bác sĩ cần tư vấn cho vợ chồng chế độ sinh hoạt, ăn uống và tập luyện để có chất lượng trứng và tinh trùng tốt nhất nhằm tạo ra phôi chất lượng tốt nhất. Và “linh hồn của IVF” đó chính là nhân viên phôi học. Hiện nay, công nghệ nuôi phôi đã phát triển và đạt được những bước tiến rất lớn. Nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ và quan trọng vẫn là yếu tố con người. Tay nghề của nhân viên phôi học góp phần rất lớn trong việc nâng cao tỷ lệ đậu thai”, bác sĩ Hồ Cao Cường nhấn mạnh.
Lời khuyên hữu ích từ chuyên gia Thống kê hiện nay cho thấy tỷ lệ sinh ở Việt Nam đang giảm theo từng năm và xu hướng phụ nữ sinh con muộn hơn so với trước kia. Cùng với nhiều yếu tố khách quan khác tạo ra một tình trạng không chỉ những người ở độ tuổi ngoài 30 gặp tình trạng vô sinh hiếm muộn mà ngay cả những người dưới 30 tuổi cũng ngày một tăng cao. Lời khuyên của bác sĩ CKII Hồ Cao Cường dành cho những người đang trong độ tuổi sinh sản cần cố gắng sinh con trước 35 tuổi và sinh đủ 2 con. Những trường hợp trong độ tuổi sinh sản vì các lý do khách quan chưa thể lập gia đình, chưa thể sinh con thì có thể cân nhắc về việc trữ trứng. “Việc trữ trứng chính là cách bạn gìn giữ tài sản sinh sản quý giá của chính mình. Sau tuổi 35, chất lượng trứng suy giảm nhanh chóng, làm giảm khả năng thụ thai tự nhiên và làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ. Chủ động chuẩn bị từ sớm là cách tốt nhất để bảo vệ cơ hội làm mẹ sau này”, bác sĩ Hồ Cao Cường nhấn mạnh. |