Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Sẽ ‘ồ ạt’ chuyển giao công nghệ và thương hiệu ‘Bia Hơi...

Sẽ ‘ồ ạt’ chuyển giao công nghệ và thương hiệu ‘Bia Hơi Hà Nội’

0

Habeco công bố thông tin bất thường về kế hoạch chuyển giao công nghệ và thương hiệu “Bia Hơi Hà Nội” cho hàng loạt các công ty liên quan trong năm 2023.

Theo thông tin từ Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco), trong năm 2023, đơn vị này sẽ tiến hành ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ và chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu “Bia Hơi Hà Nội” cho hàng loạt các đơn vị liên quan.

Thông tin trên là nội dung chính trong bản công bố thông tin bất thường của Habeco gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Sở giao dịch chứng khoán Tp.Hồ Chí Minh (HoSE). 

Theo đó, trong năm 2023, Habeco sẽ chuyển giao công nghệ và chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu “Bia Hơi Hà Nội” cho 10 đơn vị liên quan, các đơn vị này là các công ty con và công ty liên kết của Habeco. Cụ thể danh sách bao gồm: Công ty CP Bia Hà Nội – Hải Dương, – Thanh Hóa, – Nam Định, – Hải Phòng, – Nghệ An, – Hồng Hà, – Kim Bài, – Quảng Trị, Công ty CP Đầu tư phát triển bia rượu nước giải khát Hà Nội, Công ty CP Thương mại Bia Hà Nội – Hưng Yên 89. 

Như vậy, trong năm 2023 các đơn vị trên sẽ chủ động trực tiếp sản xuất Bia hơi Hà Nội mà không cần phải nhập thành phẩm từ Habeco. Tuy nhiên, chất lượng thương hiệu Bia Hơi Hà Nội cũng sẽ gặp nhiều thách thức khi chuyển giao. Thực tế, trong điều kiện tiến hành chuyển giao hàng loạt và để tạo ra được hương vị bia nguyên bản là công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về cơ sở vật chất cũng như nhân lực.

Tiêu dùng & Dư luận - Sẽ 'ồ ạt' chuyển giao công nghệ và thương hiệu 'Bia Hơi Hà Nội'
Nhà máy Bia Hà Nội.

Ngoài ra, trong bản công bố thông tin là các hợp đồng mua bán, cho thuê kho bãi – tài sản, hợp tác khai thác công nghệ, mua bán hàng hóa của Habeco với 20 đơn vị có liên quan với Habeco.

Kế hoạch trên đã được HĐQT thống nhất thông qua ngày 16/12 vừa qua. Động thái này là một trong những kế hoạch kinh doanh của Habeco trong năm 2023 nhằm đa dạng hóa nguồn thu, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty này.

Theo tìm hiểu của Người Đưa Tin, Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội tiền thân là nhà máy bia được xây dựng từ năm 1890. Habeco luôn có sản lượng bán ra các loại sản phẩm lên tới hàng trăm triệu lít mỗi năm, đi kèm là doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí lớn đang “bào mòn” lợi nhuận hàng năm của doanh nghiệp này.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, 9 tháng đầu năm, Habeco ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt hơn 6.000 tỷ đồng. Mức doanh thu này đã tăng khoảng 900 tỷ đồng và tương đương mức tăng trưởng 17% so với cùng kỳ năm trước.

Đi cùng với doanh thu trên, trong kỳ đơn vị ghi nhận giá vốn lên tới 4.246 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp ghi nhận còn 1.682 tỷ đồng.

Tiếp đó, Habeco cũng đã phải chi khoảng 1.220 tỷ đồng cho chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp, trong đó, có 868 tỷ đồng là chi phí bán hàng và hơn 352 tỷ đồng cho chi phí quản lý doanh nghiệp. Các khoản chi phí này đã chiếm gần 73% lợi nhuận gộp của Habeco, góp phần lớn khiến lợi nhuận sau thuế của công ty này xuống còn 475 tỷ đồng. 

Nếu so sánh với một năm trước đó, 2 khoản chi phí trên đã tăng lần lượt khoảng 30% và 20% mỗi khoản mục. Cụ thể, trong 9 tháng năm 2021, các khoản chi phí trên ghi nhận lần lượt là 669 tỷ đồng và 292 tỷ đồng. Cho thấy công tác quản trị chi phí tại tổng công ty trong kỳ chưa thực sự hiệu quả. Trong diễn biến mới liên quan tới Habeco, vừa qua Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã phê duyệt kế hoạch thanh tra năm 2023 của bộ. Theo kế hoạch thanh tra, Phòng kế hoạch tổng hợp và phòng, chống tham nhũng (Thanh tra Bộ Công Thương) tiến hành thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật phòng, chống tham nhũng; công tác quản lý sử dụng vốn; hoạt động sản xuất kinh doanh; công tác đầu tư, mua sắm, sử dụng tài sản và thực hiện dự án tại Tổng công ty cổ phần Bia – rượu – nước giải khát Hà Nội (Habeco) giai đoạn 2020 – 2021. Thời điểm thanh tra Habeco dự kiến trong quý 3, quý 4 năm 2023.

Nguyễn Hữu Phương/NĐT