Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop sẽ chạm mức doanh thu...

Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop sẽ chạm mức doanh thu 90.000 tỷ đồng

0

Chỉ trong một thời gian ngắn, doanh thu 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất trên thị trường Việt Nam đã chạm mức 63.000 tỷ đồng và được dự đoán sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong quý IV/2023.

Tăng trưởng mạnh

Nền tảng số liệu thị trường Metric (Metric) vừa phát hành báo cáo thị trường thương mại điện tử quý III/2023.

Theo đó, 5 sàn thương mại điện tử (TMĐT) lớn nhất là Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop có doanh thu từ ngày 1/7 đến 30/9/2023 lên đến 63.000 tỷ đồng, tăng hơn 54% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng 22,66% so với quý II/2023.

Báo cáo của Metric cho thấy, 9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử đạt 163.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu 9 tháng đầu năm 2023 cao hơn năm 2022 là 7%, tương đương hơn 10.000 tỷ đồng.

Trong đó, sàn Tiktok Shop đóng góp 25.000 tỷ đồng. Nếu tính đến yếu tố sàn Tiktok Shop chưa ra mắt trong 9 tháng đầu năm 2023 thì doanh thu trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo tăng 33% so với cùng kỳ.

Theo Báo Công thương, việc các sàn TMĐT tăng trưởng mạnh trong quý III năm nay và cả 9 tháng năm 2023 là kết quả của việc các bộ, ban, ngành, địa phương đã có sự phối hợp với những nền tảng mua sắm trực tuyến lớn tại Việt Nam. Qua đó, hỗ trợ hàng ngàn doanh nghiệp tiếp cận các phương thức phân phối hàng hóa trên thương mại điện tử.

Tuy nhiên, quý III/2023 tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm mạnh số lượng nhà bán với hơn 49.500 gian hàng dừng hoạt động trên sàn, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên do đến từ cả những yếu tố khách quan và thị trường như: nền kinh tế vẫn còn nhiều biến động, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhiều điều chỉnh chính sách từ sàn mua sắm trực tuyến.

Kinh tế vĩ mô - Shopee, Lazada, Tiki, Sendo và Tiktok Shop sẽ chạm mức doanh thu 90.000 tỷ đồng
9 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử đạt 163.000 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2022.

Bên cạnh đó là yếu tố chủ quan từ chính nhà bán như: không có chiến lược kinh doanh hiệu quả, không tìm hiểu kỹ thị trường trước khi nhập hàng/sản xuất, chi phí chưa được kiểm soát chặt chẽ…

Theo các chuyên gia Metric, trong tương lai, thị trường TMĐT sẽ ngày càng chuyên nghiệp và trở thành sân chơi chính của nhiều doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp có sự đầu tư kỹ lưỡng trong chiến lược kinh doanh.

Do vậy, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ thì việc bị “đá bật” khỏi thị trường là hệ quả tất yếu xảy ra.

Dự báo trong quý IV/2023, doanh thu trên 5 sàn thương mại điện tử lớn nhất tại Việt Nam sẽ đạt mức 90.000 tỷ đồng, với trên 850 triệu sản phẩm được bán ra.

Theo các chuyên gia của Metric, trong tương lai, thị trường TMĐT sẽ ngày càng chuyên nghiệp và trở thành sân chơi chính của nhiều doanh nghiệp lớn hoặc các doanh nghiệp có sự đầu tư kĩ lưỡng trong chiến lược kinh doanh.

Vì vậy, nếu không có sự chuẩn bị kĩ càng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ, thì việc bị “đá bật” khỏi thị trường là hệ quả tất yếu xảy ra.

Phát triển TMĐT trên ứng dụng di động 

Những năm gần đây, việc phát triển và ứng dụng các giải pháp thương mại điện tử trên nền tảng công nghệ di động để hỗ trợ hoạt động kinh doanh đang trở thành một xu hướng mới của thương mại điện tử Việt Nam và thế giới. Ưu điểm lớn của thương mại điện tử trên nền tảng di động đó chính là tính thuận tiện, linh hoạt, kết nối dễ dàng cùng sự hỗ trợ của hệ thống định vị…

Thông tin từ Tạp chí Tài chính cho biết, từ năm 2015, xu hướng thương mại di động bắt đầu có sự phát triển mang tính bùng nổ. Sự phát triển của hạ tầng di động, sự gia tăng về số lượng thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh làm phương tiện kết nối đã khiến các doanh nghiệp chú ý và đầu tư thêm vào mảng thương mại di động. Năm 2022, Việt Nam có hơn 156 triệu thuê bao di động và có 97,6% người dùng internet ở độ tuổi 16-64 hiện đang sở hữu điện thoại di động thông minh. Trong tổng trung bình 6 giờ 38 phút sử dụng internet mỗi ngày của người dùng ở Việt Nam, thì có 3 giờ 32 phút (hơn 50% thời gian) được thực hiện trên thiết bị di động (Báo cáo Digital Vietnam 2022).

Bên cạnh đó, theo TopDev (một nền tảng chuyên về thị trường và nhân lực trong ngành công nghệ), Việt Nam đang thích nghi rất nhanh trong mảng ứng dụng di động. Năm 2022, tổng doanh thu trên thị trường ứng dụng di động ở trong nước đạt khoảng 914,30 triệu USD. Không những vậy, số lượt tải xuống trong “chợ” ứng dụng năm 2023 dự kiến đạt hơn 3 tỷ lượt và duy trì tốc độ tăng trưởng 21%/năm.

Song, mặc dù thương mại điện tử trên ứng dụng di động đã có những bước phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, nền tảng thương mại điện tử trên ứng dụng di động, thậm chí là website phiên bản di động mới chỉ cho thấy hiệu quả rõ rệt tại các thành phố lớn như Hà Nội và Tp.Hồ Chí Minh, còn nếu xét trên tình hình chung của cả nước, sự phát triển của thương mại điện tử trên ứng dụng di động vẫn chưa thực sự đồng bộ ở tất cả các vùng miền. Nguyên nhân là do, tỷ lệ doanh nghiệp có ứng dụng bán hàng sử dụng riêng cho thiết bị di động hiện nay vẫn đang dừng lại ở mức 15%, trong đó 71% ứng dụng được phát triển cho nền tảng Android, 43% cho nền tảng iOS và 40% cho nền tảng Windows và không có nhiều thay đổi so với các năm trước.

Bên cạnh đó, phương thức thanh toán cũng là một trong những khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi đặt mục tiêu phát triển thương mại điện tử trên ứng dụng di động. Tuy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua thẻ ngân hàng (thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ) hay ví điện tử đều đã cho thấy mức độ tiện dụng cao, song đa phần khách hàng tại Việt Nam vẫn chọn hình thức thanh toán COD (thanh toán khi nhận hàng).

Hình thức thanh toán COD khiến doanh nghiệp phải đối mặt với rủi ro cao, nhất là trong khâu vận chuyển, vì trong trường hợp khách từ chối nhận hàng, doanh nghiệp sẽ phải thanh toán 2 lần phí vận chuyển chiều đi và chiều về, cộng thêm phí thu hộ tiền phải trả cho bên vận chuyển. 

Hương Anh (t/h) 

Link nguồn