Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Sự khởi sắc của thị trường lao động phía Nam và giải...

Sự khởi sắc của thị trường lao động phía Nam và giải pháp phát triền bền vững

0

Thị trường lao động tại nhiều địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam tiếp tục khởi sắc, dự báo mang lại cơ hội cho người lao động.

Nhu cầu tuyển lao động tăng cao 

Ghi nhận tại nhiều địa phương vùng kinh tế trọng điểm phía Nam của Báo Tin tức cho thấy, nhu cầu tuyển lao động tăng cao trong 7 tháng đầu năm. Trong những tháng còn lại của năm 2022, nhiều doanh nghiệp tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng với lượng lao động tương đối lớn.

Theo Cục Thống kê Tp.Hồ Chí Minh, từ đầu năm cho đến ngày 20/7/2022, thành phố đã cấp phép cho trên 25.310 doanh nghiệp, tăng 20% về giấy phép so cùng kỳ năm 2021; trong đó, 9 ngành dịch vụ chủ yếu có trên 18.500 doanh nghiệp thành lập, tăng tới 18,8% so với cùng kỳ năm 2021. Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng mạnh, tính chung trong 7 tháng đầu năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của thành phố tăng 7,7% so với cùng kỳ. Những kết quả này cho thấy nhiều doanh nghiệp trên địa bàn đã phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh hiệu quả, cùng với đó là nhu cầu tuyển lao động cũng tăng lên nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh.

Đại diện Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Tp.Hồ Chí Minh cho hay, từ nay đến cuối năm, thị trường lao động tại thành phố cần từ 136.000-150.000 chỗ làm việc, tạo trung ở các lĩnh vực: thương mại-dịch vụ, các ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố như chế biến lương thực – thực phẩm, hóa chất- cao su – nhựa, cơ khí, điện tử  xây dựng, tuy nhiên nhu cầu tuyển lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm khoảng trên 13%.

Còn theo Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai, tại 2 phiên giao dịch việc làm do đơn vị tổ chức trong tháng 7, nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực giày da, bất động sản, bảo hiểm, thực phẩm tham gia đăng ký tuyển tổng cộng trên 3.000 lao động; trong đó, nhu cầu tuyển lao động phổ thông ở các phiên dao động từ 88 – 92%. Tuy nhiên, tại 2 phiên giao dịch này, mới chỉ có khoảng 600 lao động có nhu cầu tìm việc làm và tìm hiểu thông tin về việc làm tham gia sàn việc làm.

Nửa cuối năm 2022, nhiều doanh nghiệp của khu kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn có nhu cầu tuyển dụng tương đối lớn. Ảnh: Lao động. 

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai nhận định, tại tỉnh đang thiếu hụt các ứng viên là lao động phổ thông để cung ứng đến các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động.

Tương tự, thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, trong quý III năm nay, các doanh nghiệp ở Bình Dương có nhu cầu tuyển khoảng 15.000 – 20.000 lao động; trong đó chủ yếu là lao động phổ thông và lao động có tay nghề trong các lĩnh vực may, gỗ, giày da, dệt nhuộm, hàn, cắt cơ khí.

Trước đó, trong 6 tháng đầu năm, nhiều doanh nghiệp thực hiện đăng ký tuyển dụng tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 80.900 lao động. So với cùng kỳ năm 2021, nhu cầu tuyển dụng tăng trên 48%. Trong khi đó, nguồn cung chỉ đáp ứng 51% nhu cầu tuyển lao động, thị trường lao động vẫn đang trong tình trạng cầu lớn hơn cung. Ngoài ra, nhu cầu thị trường đang cần nguồn lao động ở bậc học trung cấp trở xuống chiếm tỷ lệ khá cao trong khi khả năng đáp ứng của nguồn cung còn thấp.  

Hướng tới thị trường lao động bền vững 

Thị trường lao động khởi sắc, nhu cầu tuyển lao động tăng tạo thuận lợi cho người lao động có nhu cầu tìm việc làm phù hợp. Song, tại một số địa phương thuộc khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn xảy ra tình trạng mất cân đối cung- cầu lao động, thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Thực tế này này đòi hỏi các cấp, các ngành có giải pháp phát triển thị trường lao động cân đối, đồng bộ, linh hoạt và hiện đại.

Giải pháp trước mắt được một số địa phương đưa ra là tăng cường thông tin, đa dạng các hình thức kết nối cung- cầu lao động. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai Trần Thị Thùy Trâm, từ nay đến cuối năm, trung tâm tăng cường kết nối, thông tin với các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, để thông tin và tạo thuận lợi cho người lao động đến Đồng Nai tìm việc làm; đồng thời tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp chưa tuyển đủ lao động đăng thông tin tuyển dụng trên các cổng thông tin điện tử của trung tâm, các trang mạng xã hội.

Ngay trong tháng 8, trung tâm sẽ tổ chức 2 phiên giao dịch việc làm trực tiếp; trong đó có phiên được kết nối trực tuyến với Sàn giao dịch việc làm các tỉnh Thanh Hóa, Bắc Ninh, tạo thuận lợi cho lao động đã về nước sau khi hoàn thành hợp đồng theo Chương trình hỗ trợ người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc và Chương trình đưa thực tập sinh Việt Nam đi thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, kết nối các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động với người lao động.  

Với tỉnh Bình Dương, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương cho biết, bước vào quý III, các doanh nghiệp áp dụng quy định tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động theo quy định. Hiện, tỉnh Bình Dương không có địa phương vùng II, vùng III, vùng IV. Như vậy người lao động làm việc trên địa bàn tỉnh Bình Dương được hưởng mức lương không thấp hơn 4.680.000 đồng/tháng, mức lương tối thiểu theo giờ là 22.500 đồng/giờ.

Hiện nay, các ngành cần có giải pháp phát triển thị trường lao động cân đối, đồng bộ, linh hoạt và hiện đại.

Với ưu thế thuộc vùng I, Bình Dương sẽ thuận lợi hơn trong việc thu hút nguồn lao động nếu các doanh nghiệp có chính sách tiền lương và chế độ phúc lợi đảm bảo đời sống cho người công nhân lao động. Ngoải ra, trong quý III và quý IV còn có lực lượng lao động trẻ bổ sung cho thị trường lao động sau kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông cùng với lực lượng sinh viên mới tốt nghiệp sẽ gia nhập thị trường lao động.

Bên cạnh các giải pháp trước mắt, để phát triển thị trường lao động bền vững, cân đối, hiện đại và linh hoạt, nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những giải pháp căn cơ là phát triển thị trường lao động linh hoạt, song phải hướng tới việc làm bền vững, phải bảo vệ được quyền lợi của các bên, đặc biệt là người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Theo ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, phải tạo cơ hội việc làm đầy đủ để thúc đẩy thị trường lao động linh hoạt. Cơ hội việc làm đầy đủ chính là để phát huy hiệu quả toàn bộ lực lượng lao động. Các địa phương, ngành chức năng tiếp tục tăng cường giáo dục, đào tạo để tăng số lao động có kỹ năng phù hợp với nhu cầu thị trường lao động, điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế nhằm tăng tỷ trọng lao động làm việc trong các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng lớn, năng suất lao động cao. Song song với đó, cần chú trọng tới việc bảo đảm tiền lương, thu nhập, an sinh xã hội, điều kiện lao động và môi trường làm việc an toàn cho người lao động, chỉ có như vậy mới tạo sự phát triển bền vững của thị trường lao động.

Tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn lao động 

UBND Tp.Hồ Chí Minh vừa ban hành quyết định về Chương trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên địa bàn thành phố đến năm 2025. Theo đó, thành phố đặt mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ở các lĩnh vực trọng điểm đến năm 2025, gồm lĩnh vực công nghệ thông tin, cơ khí-ô tô, cơ điện tử, tự động hóa, điện-điện tử, logistics, du lịch, xây dựng, công nghệ môi trường.

Đồng thời, xây dựng các giải pháp đào tạo nghề chất lượng cao, đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, hiệu quả phục vụ phát triển KT-XH của thành phố. Đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, nhất là nhân lực có tay nghề cao nhằm nâng tầm kỹ năng lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Nâng tỷ lệ lao động đang làm việc đã qua đào tạo đến cuối năm 2025 đạt 87% trong tổng số lao động đang làm việc.

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Cung-cầu lao động chất lượng cao cho thị trường các nước Đông Á: Thách thức và giải pháp đối với Tp.Hồ Chí Minh” mới đây, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã nhìn nhận việc đổi mới trong đào tạo nguồn nhân lực đang là vấn đề mang tính cấp bách để bắt kịp xu hướng phát triển của thời đại. Cơ sở đào tạo cần mở rộng quan hệ với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc thử trong môi trường thực tế.

Các ngành chức năng cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề đáp ứng với đòi hỏi đa tầng của trình độ lực lượng sản xuất, trình độ công nghệ và đặc điểm của các vùng, lĩnh vực trong giai đoạn mới; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, không gian khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đào tạo khởi nghiệp cho thanh niên học nghề để giúp thanh niên đổi mới, sáng tạo khởi nghiệp và tự tạo việc làm.

Cơ sở đào tạo cần mở rộng quan hệ với doanh nghiệp để sinh viên có cơ hội thực tập, làm việc thử trong môi trường thực tế.

Trao đổi với Quân đội nhân dân, Tiến sĩ Từ Minh Thiện, Hiệu trưởng Trường Đại học Văn Hiến cho rằng: “Cần thiết phải có những định hướng nâng cao năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực đáp ứng những yêu cầu và tiêu chuẩn khắt khe của thị trường khu vực. Việc phát triển nhân lực lao động nói chung, nguồn nhân lực chất lượng cao tại Tp.Hồ Chí Minh nói riêng về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi ích trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội của đất nước”.

Trong giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chất lượng nguồn nhân lực là nhân tố quan trọng giúp doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh. Để giải quyết nhu cầu lao động chất lượng cao trong điều kiện “bình thường mới”, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Tp.Hồ Chí Minh cần quan tâm hơn nữa đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp cần nới lỏng các quy định về lao động; hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp; hỗ trợ thanh khoản, thuế doanh nghiệp… Đối với người lao động, cần chú trọng các chính sách tạo việc làm, an sinh xã hội; đẩy mạnh truyền thông kết nối cung cầu lao động; nâng cao trình độ chuyên môn, tác phong công nghiệp trong lao động.

Nửa cuối năm 2022, nhu cầu tuyển dụng ngành nào tăng? 

Nhận định về thị trường lao động từ nay đến cuối năm với An ninh thủ đô, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho rằng với những tín hiệu phục hồi khả quan của nền kinh tế sẽ dẫn đến thị trường lao động tiếp tục khởi sắc.
To những ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng nhiều nhất trong quý II là: tài chính – đầu tư; bán hàng; công nghệ thông tin – phần mềm; marketing; kế toán; xây dựng dân dụng; hành chính – kế toán; ngân hàng; kiểm toán; điện – điện tử.

Riêng với nhóm ngành công nghệ thông tin, tiếp tục có nhu cầu tuyển dụng do nhu cầu mở rộng và phát triển kinh doanh trong năm 2022. Công nghệ thông tin cũng là ngành không bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 nên vẫn là ngành sôi động khi các doanh nghiệp vẫn tiếp tục tuyển dụng.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, thực tế nhóm ngành này đòi hỏi về số lượng không quá nhiều nhưng lại có rất nhiều đơn vị tuyển dụng, bởi cần có những vị trí việc làm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số.

Ngoài ra, một số nhóm ngành khác cũng được dự báo sẽ có xu hướng tuyển dụng lớn trong thời gian tới là nhóm ngành chăm sóc sức khỏe, giao nhận hàng và công nghiệp chế biến…

Tại thị trường lao động lớn nhất cả nước là Tp.HCM, theo dự báo của Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM, từ nay đến cuối năm, nhu cầu tuyển dụng nhân lực của thành phố vào khoảng 136.000 – 150.000 người, tập trung ở khu vực thương mại – dịch vụ; công nghiệp – xây dựng và nông, lâm, thủy sản.

Trong đó, 4 ngành công nghiệp trọng yếu gồm: Cơ khí; sản xuất hàng điện tử; chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống; hóa dược – nhựa – cao su chiếm 20,12%. Chín ngành dịch vụ chính gồm: Thương mại; vận tải kho bãi; du lịch; bưu chính viễn thông; công nghệ thông tin; truyền thông; tài chính – tín dụng – ngân hàng – bảo hiểm; kinh doanh tài sản – bất động sản; thông tin tư vấn khoa học – công nghệ; giáo dục – đào tạo; y tế, chiếm 52,89%.

Hương Anh (T/h)

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thi-truong-lao-dong-phia-nam-tiep-tuc-khoi-sac-a562633.html