Bộ Công Thương vừa quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 1.920,37 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, tương đương tăng 4,5% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Đây là lần tăng giá điện thứ 2 trong năm nay, sau khi tăng đợt 1 vào ngày 4/5 với mức 3%. Phóng viên TTXVN đã ghi nhận những ý kiến từ các doanh nghiệp và người dân xung quanh vấn đề này.
Tác động là có nhưng không lớn
Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), với giá điện mới, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt (người dân) sẽ chịu mức tiền điện tăng thêm từ 3.900 – 55.600 đồng/tháng. Nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ (có 547.000 khách hàng) phải trả thêm 230.000 đồng/tháng. Nhóm khách hàng sản xuất (1.909.000 khách hàng) phải trả thêm 432.000 đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thu Trang, chủ cửa hàng ăn uống tại Bạch Mai – Hà Nội cho biết, mỗi tháng gia đình dùng tới 10 triệu tiền điện cho viêc kinh doanh. Giá điện tăng tiếp 4,5%, tương đương tăng thêm khoảng 400.000 đồng/tháng. Đây cũng là con số đáng kể. Tuy nhiên, sẽ còn nguy cơ hơn nếu để thiếu điện như Hè năm nay. Hi vọng rằng viêc tăng giá điện sẽ đi kèm với tăng chất lượng điện cung ứng cho người dân.
Ông Nguyễn Văn Kết, giám đốc Công ty cơ khí chính xác SKD Việt Nam chia sẻ, giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới doanh nghiệp, nhưng chúng tôi đánh giá sẽ không gây tác động quá lớn. Giá điện chiếm khoảng 10 – 15% trong cơ cấu giá thành phẩm. Khi giá điện tăng 4,5%, chi phí tác động cũng chỉ chưa đến 1% và điều này là có thể chấp nhận.
“Hiện nay đơn vị đang nỗ lực đẩy mạnh sản xuất đơn hàng để cung ứng cho đối tác cuối năm. Các sản phẩm cơ khí cần máy móc vận hành liên tục, viêc mất điện, cắt điện đột ngột có thể gây ra những thiệt hại trong sản xuất. Chúng tôi hoàn toàn hiểu nguyên nhân và những khó khăn khi ngành điện phải tăng giá điện. Thời gian qua, ngành điện đã có sự đầu tư và thay đổi lớn trong kinh doanh, dịch vụ với khách hàng. Hi vọng rằng, với mức tăng giá này, có thể bù đắp chi phí, giúp đầu tư các công trình, cung ứng điện được ổn định, tốt hơn”, ông Kết nói.
Với mức tăng giá này, EVN dự kiến sẽ có thêm khoảng 3.200 tỷ đồng từ nay tới cuối năm, giúp tập đoàn giảm khó khăn của năm 2023; trong khi đó, tác động đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) chỉ ở khoảng 0,035%. Dù vậy, ông Nguyễn Đình Phước, Kế toán trưởng EVN cho hay, tập đoàn vẫn còn nhiều khó khăn trong cân bằng tài chính. EVN sẽ tiếp tục cắt giảm 15% chi phí thường xuyên tại các đơn vị lớn, tiết kiệm điện chiếu sáng tại các cơ quan, tổng công ty…
Ông Nguyễn Vân, Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho biết, các doanh nghiệp đang nhận được nhiều tín hiệu phục hồi tốt, đơn hàng đã dồi dào hơn và sự hợp tác, góp mặt của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đang tạo ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp. Viêc tăng giá theo nhận định là có tác động tới doanh nghiệp, nhưng sẽ không lớn và cũng không phải vấn đề cộng đồng doanh nghiệp quá lo ngại. Vấn đề ở đây là cùng với việc tăng giá điện, đòi hỏi ngành điện cũng phải đảm bảo tốt về chất lượng và sự ổn định của nguồn điện.
Tạo áp lực cho tiết kiệm điện
Điện năng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Giai đoạn mùa khô 2023, cả nước đã chứng kiến viêc thiếu điện, ngừng cung cấp điện luân phiên., doanh nghiệp gặp khó khi phải dừng sản xuất, không kịp tiến độ trả đơn hàng. Cũng trong thời điểm đó, các giải pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hiệu quả được tuyên truyền và ứng dụng mạnh mẽ.
Ông Nguyễn Quang Vinh, đại diện Công ty Tầm Nhìn Việt cho rằng, tăng giá điện là quy luật tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng. Viêc tăng giá sẽ giúp mọi người dân sử dụng điện có trách nhiệm hơn, nếu không, cả trong sinh hoạt và sản xuất sẽ không có ý thức sử dụng điện tiết kiệm. Khi giá điện tăng, các cơ sở sản xuất ít nhiều cũng sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí, tối ưu các dây chuyền hơn để vận hành tiết kiệm; đồng thời cũng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang các dạng năng lượng tái tạo tự dùng như điện mặt trời mái nhà.
Không chỉ vậy, giá điện tăng cao được các chuyên gia đánh giá có thể thu hút đầu tư của khối tư nhân vào các dự án nguồn điện, giúp đảm bảo an ninh năng lượng; thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm điện.
Ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng cho rằng, việc tăng giá điện, ngoài viêc tính đúng, tính đủ các chi phí trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp thì cũng tạo áp lực cho viêc tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả hơn. Để đầu tư cho các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần có sự đầu tư đủ lớn để thay đổi dây chuyền, công nghệ nhưng với giá điện thấp, doanh nghiệp sẽ có ít “động lực” để đầu tư.
Giá điện thấp sẽ giúp đảm bảo an sinh xã hội, ổn định các chỉ số kinh tế, tuy nhiên sẽ đổi lại, người sử dụng không có động lực thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng.
“Chúng ta thấy có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam vẫn dựa vào công nghệ cũ, tiêu tốn nhiều năng lượng. Đây là sự lãng phí. Về bản chất, chúng ta đang bù giá, trợ giá cho các doanh nghiệp sử dụng công nghệ không thực sự tiên tiến”, ông Hà Đăng Sơn nói.
Cùng quan điểm trên, theo chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, giá điện cần phải được tính đúng, tính đủ để đảm bảo chi phí, hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành điện. Không thể nói “thu nhập thấp thì gía điện cũng phải thấp”. Với giá thấp sẽ khiến viêc tiêu dùng điện nhiều, lãng phí và không khuyến khích thu hút các nhà đầu tư sản xuất điện. Ngoài ra, giá thấp còn dẫn đến sự đầu tư ồ ạt của các nhà đầu tư với công nghệ cũ, tốn điện…
Bình An