Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Thị trường bánh Trung thu 2022: Nở rộ bánh thương hiệu riêng

Thị trường bánh Trung thu 2022: Nở rộ bánh thương hiệu riêng

0

Còn khoảng một tháng nữa mới đến Tết Trung thu, nhưng thị trường bánh Trung thu đã khá sôi động với nhiều sản phẩm, mẫu mã mới.

Giá tăng, sức mua chậm

Theo khảo sát của Thời báo tài chính Việt Nam, tại một số tuyến phố của Hà Nội bán bánh trung thu như: Trường Chinh (quận Thanh Xuân), Chùa Bộc, Tây Sơn, Xã Đàn (quận.Đống Đa); Trung Kính, Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy)… cho thấy, thời điểm này lượng tiêu thụ vẫn còn hạn chế. Mặc dù tình hình kinh doanh năm nay so với năm ngoái khởi sắc hơn, nhưng nhìn chung tốc độ tiêu thụ sản phẩm vẫn chậm.

Nhân viên một cửa hàng bánh Trung thu trên đường Trung Kính (quận Cầu Giấy) chia sẻ, do giá nguyên liệu đầu vào và các dịch vụ đi kèm tăng từ 10 đến 20% so với năm ngoái, nên năm nay, các hãng đều đồng loạt tăng giá vì thế mặc dù đã bày bán hơn 2 tuần nay nhưng tiêu thụ sản phẩm vẫn chậm.

Bánh trung thu năm nay đa dạng về chủng loại, mẫu mã và mức giá nên giúp người mua có thêm nhiều sự lựa chọn. Cụ thể, có dòng bánh mặn, bánh chay và bánh cho người ăn kiêng; còn mức giá cũng có nhiều phân khúc. Năm nay giá bánh trung thu cao hơn năm trước, mức tăng giá bán bánh tuỳ loại.

Mọi năm giá bánh truyền thống nhân đậu xanh, hạt sen khoảng 50.000 đồng/chiếc, năm nay là 57.000 đồng/chiếc; bánh nhân thập cẩm khoảng 65.000 đồng/chiếc, năm nay là 70.000 đồng đến 73.000 đồng/chiếc.

Hầu hết các quầy bánh Trung thu được bày bán tại vị trí đẹp nhưng sức mua còn chậm. Ảnh: Thời báo tài chính Việt Nam.

Các thương hiệu bánh đều đồng loạt tăng từ 5.000 đồng đến 7.000 đồng/chiếc. Một số mặt hàng bánh trung thu truyền thống như bánh nướng, bánh dẻo vị đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen… giá niêm yết khoảng 55.000 đồng đến 62.000 đồng/chiếc với trọng lượng là 150g và 180g. Một số loại nhân cao cấp như: gà quay, vi cá, bào ngư, yến sào… giá còn từ 167.000 – 390.000 đồng/chiếc.

Phần đông người tiêu dùng nhận định rằng, giá bánh Trung thu năm nay cao hơn nhiều so với mùa bánh năm ngoái. Chị Nguyễn Thu Thảo, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, chia sẻ năm nào cũng mua bánh nên rất nhớ giá, giá bánh năm nay tăng cao hơn mọi năm nên việc mua bánh cũng phải cân nhắc hơn. Năm ngoái bánh nhân đậu xanh 150g giá 56.000 đồng/chiếc, năm nay 61.000 đồng/chiếc; bánh thập cẩm từ 67.000 đồng tăng lên 73.000 đồng. Mua cả hộp 4 chiếc cũng đội giá lên 20.000 – 25.000 đồng.

Nở rộ bánh thương hiệu riêng

Theo Người Lao động, các chuỗi cà phê như: Katinat Saigon Kafe, The Coffee House, Highlands Coffee… đều có bán bánh Trung thu mang thương hiệu riêng và trưng bày ngay tại vị trí bắt mắt nhất. Đơn cử, The Coffee House cho ra mắt 3 bộ sản phẩm gồm bánh – trà – cà phê (Bánh Trung thu – Trà Hi-Tea Bling Bling – Cà phê CloudFee) phục vụ khách hàng trực tiếp tại các cửa hàng lẫn bán mang đi. Đại diện The Coffee House cho hay cả 3 bộ sản phẩm đều được đón nhận rất tốt, vượt xa kế hoạch.

Lần đầu tham gia thị trường bánh Trung thu với thương hiệu riêng, chuỗi cửa hàng thực phẩm hữu cơ Organic Food dự kiến sản lượng cho cả mùa khoảng 1.000 chiếc. Sau 1 tuần ra mắt, hệ thống này đã bán được 300 chiếc bánh tươi, không chất bảo quản với hạn sử dụng chỉ 7 ngày với các thành phần nguyên liệu hữu cơ từ cửa hàng.

“Bánh Trung thu là thị trường quà tặng lớn thứ hai trong năm, chỉ sau Tết Nguyên đán nên giá cả không phải là mối quan tâm lớn của người mua mà chủ yếu là tính độc đáo cũng như bao bì đẹp. Mảng này có lợi nhuận tốt, nhất là năm ngoái thị trường mất mùa Trung thu nên người tiêu dùng có xu hướng mua bù. Việc sản xuất bánh Trung thu cũng không quá khó, thủ tục pháp lý cũng đơn giản nên thu hút nhiều đơn vị tham gia”, đại diện chuỗi Organic Food nhìn nhận.

Không chỉ những thương hiệu lớn, mà các chuỗi cà phê cũng tham gia thị trường bánh Trung thu. Ảnh: The Coffee House.

Công ty TNHH Phát triển Dừa nước Việt Nam (mật dừa nước Ông Sáu, sản phẩm OCOP – chương trình mỗi xã một sản phẩm 4 sao) cũng lần đầu tham gia thị trường bánh Trung thu với sản phẩm gia công từ đối tác là một thương hiệu bánh trung thu truyền thống tại quận 3 (Tp.HCM). Theo anh Phan Minh Tiến, giám đốc công ty, ban đầu chỉ dự định đặt bánh trung thu sử dụng mật dừa nước của công ty thay cho đường tinh luyện để làm quà biếu tặng.

“Sản phẩm ra mắt được nhiều người yêu thích do sử dụng đường tự nhiên từ dừa nước, phù hợp với người ăn kiêng, vị lại ngon nên chúng tôi đặt thêm để bán nhưng mục đích chính cũng chỉ để là giới thiệu sản phẩm cũng như khả năng ứng dụng mật dừa nước trong chế biến thực phẩm. Dự kiến sản lượng bánh trung thu của đơn vị năm nay chỉ khoảng 1.000 – 2.000 chiếc”, anh Tiến thông tin với Người Lao động.

Bánh handmade 3D được ưa chuộng

Bên cạnh loại bánh Trung thu của các thương hiệu nổi tiếng, thì trào lưu làm bánh handmade mỗi dịp Trung thu về vẫn được nhiều bà nội trợ quan tâm. Bánh trung thu handmade thu hút mọi lứa tuổi, sở thích bởi kiểu dáng đẹp mắt, hương vị thơm ngon, mới lạ.

Trao đổi với Thời báo tài chính Việt Nam, chị Vũ Thị Phương, chủ một cửa hàng làm bánh handmade cho biết: “Năm nay tuy giá có nhỉnh lên nhưng hiện tại số lượng đơn đặt hàng vẫn rất nhiều. Mở bán từ giữa tháng đầu tháng 8, mỗi ngày tiệm tôi đều hoạt động hết công suất. Để thu hút khách hàng, ngoài việc duy trì chất lượng bánh, tôi phải liên tục cập nhật xu hướng các vị mới như nhân socola phomai, hồng trà, nam việt quất… Đồng thời, có nhiều chương trình khuyến mãi, ưu đãi cho khách hàng. Ngoài những loại bánh truyền thống, bánh trung thu mini, bánh Trung thu handmade… thì cửa hàng cũng làm thêm loại bánh trung thu 3D độc lạ, bắt mắt”.

Các loại bánh 3D độc lạ, bắt mắt thu hút người tiêu dùng. Ảnh: Thời báo tài chính Việt Nam.

Theo khảo sát, có nhiều cơ sở cung cấp ra thị trường loại bánh độc đáo này. Đặc điểm chung là bánh có tạo hình và màu sắc độc đáo, đẹp mắt với những thiết kế tinh xảo như đầu lân, hoa sen, hoa mẫu đơn giống như những tác phẩm nghệ thuật.

Dòng bánh Trung thu 3D nghệ thuật không chỉ ngon phần vị mà còn chiều lòng được những người yêu cái đẹp với nguyên liệu làm từ bột nguyên cám, mật ong và đường thốt nốt; 100% chất tạo màu thực vật (trà xanh, củ dền, tinh than tre, ca cao…)…

Bánh cũng được tạo hình mới lạ bởi đôi bàn tay của những nghệ nhân làm bánh có kinh nghiệm, với đầy đủ các vị như thập cẩm, khoai môn, hạt sen, hạt dẻ trà xanh, chanh leo, đậu đỏ, sầu riêng… Trên thị trường hiện giá của loại bánh này có giá cao hơn với loại truyền thống. Mỗi chiếc có giá dao động từ 80.000 – 100.000 đồng/chiếc loại 100 – 150 gram. Với loại bánh Trung thu con giáp, giá bán rơi vào khoảng từ 35.000 – 45.000 đồng/con….

Đảm bảo an toàn thực phẩm bánh Trung thu 
Với đặc thù chỉ xuất hiện trong khoảng một tháng, việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu mang tính thời vụ nên vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu và cũng là nội dung mà các cơ quan chức năng tập trung kiểm tra, giám sát nghiêm.
Những ngày qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã liên tục phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Một trong những vụ đáng chú là Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) đã kiểm tra và tạm giữ hơn 5.000 bánh Trung thu có nhãn hiệu bằng chữ nước ngoài, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ tại hộ kinh doanh P.T.N. (ở xóm Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức). Bà N. cho biết, số hàng được mua trôi nổi trên thị trường về bán kiếm lời và đều không có hóa đơn, chứng từ.
Theo lãnh đạo Đội Quản lý thị trường số 24, những năm gần đây, lực lượng chức năng liên tục triệt phá nhiều kho, xưởng chứa, trữ bánh Trung thu nhập lậu, giá rẻ. Thông thường, các đối tượng thu gom, mua trôi nổi hàng hóa từ các tỉnh biên giới phía Bắc với giá rất rẻ, sau đó bán kiếm lời với giá cao gấp nhiều lần.
Ông Trần Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội cho biết, thời điểm này, khi Tết Trung thu đang đến gần, nhiều cơ sở kinh doanh tận dụng lợi thế của thương mại điện tử đã rao bán, chạy quảng cáo trên mạng xã hội, các nhóm cộng đồng… Vì thế, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát mặt hàng này.
Ông Trần Việt Hùng cũng lưu ý, việc mua bán thực phẩm trực tuyến trên các website, ứng dụng thương mại điện tử và mạng xã hội tiềm ẩn một số rủi ro. Trong đó, nhiều đối tượng lợi dụng để kinh doanh các loại bánh trung thu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhiều sản phẩm chứa các chất phụ gia không cho phép sử dụng, hoặc vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm chứa các chất độc hại, ô nhiễm hoặc bị hư hỏng, biến chất… Các hành vi vi phạm ngày càng tinh vi, phức tạp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình kiểm tra, giám sát.

Hương Anh (tổng hợp) 

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/thi-truong-banh-trung-thu-2022-no-ro-banh-thuong-hieu-rieng-a566194.html