Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Tiếp tục có những tín hiệu tốt, Đạm Hà Bắc được ra...

Tiếp tục có những tín hiệu tốt, Đạm Hà Bắc được ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, tồn tại kéo dài

0

Năm 2021 tình hình sản xuất có tín hiệu khả quan, Nhà máy Đạm Hà Bắc chạy 92% công suất, cung cấp cho thị trường 437.000 tấn Ure (đây là mức kỷ lục). Sau 6 năm mở rộng, đây là năm lần đầu tiên Đạm Hà Bắc đã có lãi. Theo đó, nhà máy đã tập trung nguồn lực trả ngân hàng 745 tỷ (VDB – Ngân hàng phát triển) và 34,9 triệu USD.

Trước đó (1/4/2022), Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã làm việc tại Công ty Cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, nghe các phương án tháo gỡ khó khăn cho Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc. Đây là một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công thương, phải xử lý theo Quyết định số 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thống nhất các phương án tháo gỡ khó khăn cho Đạm Hà Bắc - Ảnh 1.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái.

Năm 2022, Đạm Hà Bắc tiếp tục có những tín hiệu tốt

Ông Phùng Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn hóa chất Việt Nam cho biết, những năm qua, tập đoàn đã quyết liệt thực hiện tái cơ cấu Đạm Hà Bắc, đổi mới công tác quản trị, tổ chức lại sản xuất và quản lý sản xuất theo hướng tinh gọn, giảm đầu mối trực thuộc. Định biên của Đạm Hà Bắc năm 2015 là 1.774 người, đến nay giảm còn trên 1.200 người.

Năm 2021, tình hình sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc có tín hiệu khả quan. Công suất đạt 92% với 473 nghìn tấn Ure thành phẩm (đây là mức sản phẩm kỷ lục của nhà máy) được cung cấp cho thị trường, doanh thu 4.558 tỷ đồng, lần đầu tiên lãi 6,25 tỷ đồng sau nhiều năm chịu lỗ. Điều này đã động viên, khích lệ cán bộ, công nhân viên của doanh nghiệp. Kết thúc năm 2021, doanh thu toàn tập đoàn đạt hơn 53 nghìn tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay; lãi hơn 2 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự án Đạm Hà Bắc mở rộng, nâng công suất, đi vào vận hành từ tháng 4/2015 luôn duy trì công suất ổn định trên 90%.

Bước sang năm 2022 tình hình sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc tiếp tục có những tín hiệu tốt, giá phân bón tăng, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Nhà máy phấn đấu sản xuất cung cấp cho thị trường khoảng 410 nghìn tấn Ure. Dự kiến sản xuất năm nay Đạm Hà Bắc sẽ tiếp tục có lãi…

Thống nhất các phương án tháo gỡ khó khăn cho Đạm Hà Bắc - Ảnh 2.
Toàn cảnh buổi làm việc. 

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc, thì khoản lỗ lũy kế trong 5 năm qua của Đạm Hà Bắc vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn. Đạm Hà Bắc đang vay của các ngân hàng với lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn), dẫn đến lãi chồng lãi.

“Nếu không tái cơ cấu tài chính thì Đạm Hà Bắc khó có thể phát triển ổn định, bền vững”, lãnh đạo Vinachem bày tỏ và cho biết, theo phương án tính toán của Vinachem, nếu tái cơ cấu Đạm Hà Bắc sẽ lãi khoảng 828 tỷ đồng/năm.

Theo đó, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam xây dựng 4 phương án xử lý vấn đề của Đạm Hà Bắc là:

– Chuyển vốn vay thành vốn góp;

– Cơ cấu lại tài chính;

– Bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

– Cho phá sản doanh nghiệp.

Trên cơ sở đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đề xuất lựa chọn phương án tái cơ cấu lại các khoản nợ ngân hàng của Đạm Hà Bắc, với những giải pháp như: khoanh nợ, giãn nợ, dừng tính phạt trên số tiền gốc, tiền lại chậm trả…

Lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam khẳng định: nếu được cấp có thẩm quyền phê duyệt cơ chế đặc thù thì Đạm Hà Bắc cơ sẽ sớm ra khỏi khó khăn và phát triển ổn định.

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, thời gian qua Ủy ban đã cùng với tập đoàn và nhà máy đã bàn thảo, xây dựng các phương án tái cơ cấu. Sau khi tính toán kỹ lưỡng các mặt, Ủy ban và doanh nghiệp đã đồng thuận lựa chọn đề xuất lựa chọn phương án tái có cấu tái chính. Đồng thời, mong muốn các cơ quan liên quan và cấp có thẩm quyền sớm quyết định để tháo gỡ khó khăn cho Đạm Hà Bắc.

Tái cơ cấu, không để Đạm Hà Bắc “suốt đời gánh nợ”

Ý kiến của đại diện các bộ ngành, ngân hàng cũng cho rằng, phân bón là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Đất nước ta vẫn là nước nông nghiệp, không thể không có nhà máy phân bón. Nhất là trong bối cảnh khó khăn, ngành nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế. Trong khi đó, Đạm Hà Bắc là nhà máy có truyền thống, thương hiệu uy tín, được bà con nông dân tin tưởng, lựa chọn. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.

Các đại biểu đánh giá, thời gian qua, nhà máy đã rất nỗ lực tái cơ cấu. Nhờ đó, đến thời điểm hiện tại, tất cả các chỉ số sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc đều tốt. Trừ chỉ số tài chính. Do đó, nếu không cơ cấu lại, để tiếp tục lãi chồng lãi, phạt chồng phạt, lãi mẹ đẻ lãi con, thì Đạm Hà Bắc “suốt đời gánh nợ” và không thể thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại.

Tổng hợp các ý kiến tại buổi làm việc, các đại biểu đều thống nhất lựa chọn phương án tái cơ cấu tài chính Đạm Hà Bắc. Bởi đây là phương án tốt nhất cho tất cả các bên.

Về phía chính quyền địa phương, đồng chí Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang bày tỏ, Đạm Hà Bắc nhiều năm là lá cờ đầu trong lĩnh vực công nghiệp của Bắc Giang, đóng góp lớn cho sản xuất, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Đảng bộ Đạm Hà Bắc là đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy Bắc Giang. Những năm gần đây công ty khó khăn, với thẩm quyền của mình, Bắc Giang đã có nhiều văn bản kiến nghị các giải pháp với Trung ương để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp… tỉnh Bắc Giang cũng sẽ tạo điều kiện tốt nhất để Đạm Hà Bắc ổn định sản xuất, kinh doanh, qua đó giảm được giá thành,… được như thế bà con nông dân sẽ rất phấn khởi.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thăm Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Ảnh VGP/Trần Mạnh 
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái thăm Nhà máy Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc. Ảnh: TL.

Ưu tiên tái cơ cấu tài chính

Sau khi nghe báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, ý kiến của các bộ ngành, địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận những nỗ lực của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Hà Bắc đã nỗ lực xử lý những khó khăn vướng mắc, đưa công suất hoạt động đạt trên 90%.

Về xử lý khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, việc tìm giải pháp để xử lý yếu kém của Đạm Hà Bắc là yêu cầu cấp bách. Công ty đang nợ số tiền lớn. Nếu để lâu, vốn ngày càng mất đi, lỗ nhiều hơn, do đó phải có giải pháp khả thi, xử lý dứt điểm, không để kéo dài.

Qua đó, Phó Thủ tướng cũng thông tin, vừa qua Bộ Chính trị đã nhất trí đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, tồn tại kéo dài của ngành Công thương để các tập đoàn, tổng công ty thực hiện các giải pháp tiếp theo tháo gỡ khó khăn, đưa dự án vào hoạt động hiệu quả đạt mục tiêu đề ra.

Với 5 dự án này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn, tổng công ty có liên quan căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương tiếp tục chỉ đạo chi tiết, có giải pháp cụ thể, hoàn thành trong thời gian sớm nhất, báo cáo Thủ tướng.

Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, tiếp tục chỉ đạo Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc hoàn thiện phương án tái cơ cấu, tổng hợp cùng những dự án còn lại để báo cáo Bộ Chính trị, chậm nhất phải có đề án hoàn chỉnh vào tháng 9/2022.

Ghi nhận tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh và việc đưa dự án cải tạo, mở rộng vào khai thác có những tín hiệu đáng mừng, Phó Thủ tướng đánh giá cao Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng đã đưa dự án vào hoạt động đạt công suất và chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường.

Tuy vậy, Phó Thủ tướng chỉ ra rằng, dự án còn nhiều sơ suất, khuyết điểm. Sở dĩ không đạt được mục tiêu là do xây dựng dự án chưa sát tình hình thực tế, nhiều nội dung chưa khả thi, giá nguyên, vật liệu đánh giá chưa sát thị trường, cơ cấu vốn chưa đánh giá hết, vốn vay quá lớn… vì thế dự án rơi vào khó khăn.

Cũng tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng thông tin, “Bộ Chính trị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo phải cương quyết kịp thời có giải pháp xử lý dứt điểm, không để tồn tại kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, thâm hụt vốn, tài sản của Nhà nước”.

Đánh giá về các phương án tái cơ cấu, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phương án khả thi nhất là tái cơ cấu tài chính. Do vậy, cần lựa chọn phương án này đầu tiên trong đề án tái cơ cấu, tiếp đến là phương án bán cổ phần, chuyển vốn vay và phương án cuối cùng là phá sản.

Về phương án tái cơ cấu tài chính, nếu lựa chọn thì phải làm rõ từng cơ chế, giải pháp khả thi, từ việc khoanh nợ, điều chỉnh lãi suất cho vay, kéo dài thời hạn vay, dừng tính lãi phạt trả chậm, đến thời hạn cơ cấu lại, phải xác định đến thời hạn nào xử lý được âm vốn chủ sở hữu. Đồng thời phải làm rõ về mặt thẩm quyền về cơ chế, giải pháp tài chính, rà soát tình hình thị trường, dự báo dài hạn giá bình quân… Phó Thủ tướng nhấn mạnh thêm.

Với 7 dự án còn lại, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, tôi sẽ cùng các bộ, ngành xem xét từng giải pháp cụ thể, đề xuất cơ chế, chính sách, nguồn vốn đảm bảo khả thi để tiếp tục tháo gỡ khó khăn. Vấn đề gì thuộc thẩm quyền của doanh nghiệp, của bộ thì phải chủ động xử lý. Vấn đề nào vượt thẩm quyền thì báo cáo, đề xuất các phương án trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định. Tinh thần là dự án nào dễ thì chúng ta làm trước.

Nguyên Khánh

Link nguồn: https://doanhnghiepthuonghieu.vn/tiep-tuc-co-nhung-tin-hieu-tot-dam-ha-bac-duoc-ra-khoi-danh-sach-12-du-an-thua-lo-ton-tai-keo-dai-731278389-p38713.html