Home Giá vàng – ngoại tệ Trục lợi chênh lệch tỷ giá: Xử lý nghiêm để tránh biến...

Trục lợi chênh lệch tỷ giá: Xử lý nghiêm để tránh biến động khó lường

0

Các chuyên gia cho rằng tình trạng gom USD từ ngân hàng bán ra chợ đen làm cho thị trường ngoại tệ trở nên mất cân đối, đẩy giá USD lên cao, tạo ra nguồn cung giả và ảo về ngoại tệ.

Ảnh minh họa. (Ảnh: Vietnam+)

Theo ghi nhận, đang có đường dây của những đối tượng chuyên thuê người xếp hàng mua gom USD trong các ngân hàng thương mại rồi đem bán tại thị trường chợ đen để ăn chênh lệch. Lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của các cơ quan chức năng, một số đối tượng đã trục lợi số tiền lớn.

Trước thực trạng này, các chuyên gia cho rằng cơ quan chức năng cần kiểm soát một cách chặt chẽ để hạn chế dòng ngoại tệ chảy vào kênh giao dịch phi chính thức, qua đó tác động tiêu cực đến thị trường tiền tệ.

Trục lợi từ chênh lệch tỷ giá

Trong thời gian qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện tình trạng có những đối tượng thuê người có hộ chiếu đứng xếp hàng tại ngân hàng để mua USD và sẽ trả mỗi người 1 triệu đồng/ngày. Cụ thể, đường dây này có một người đứng ra thuê một nhóm người có hộ chiếu xếp hàng vào ngân hàng mua ngoại tệ.

Trước khi đến, danh sách của những người xếp hàng đã được gửi đến cho ngân hàng với danh nghĩa là khách đi du lịch nước ngoài và cũng đã có vé máy bay, mỗi người được ngân hàng bán cho tối đa kịch trần 5.000 USD. Điều đáng nói là số tiền này ngay lập tức được đưa ra ngoài “chợ đen” để bán cho khách có nhu cầu nhằm ăn chênh lệch tỷ giá.

[Biến động tỷ giá và những hệ lụy đối với nền kinh tế Việt Nam]

Nguyên nhân của tình trạng này là do thời gian qua Fed điều chỉnh lãi suất nhiều lần, Ngân hàng Nhà nước bán USD ra nhằm can thiệp để bổ sung nguồn cung ngoại tệ cho thị trường, qua đó đáp ứng các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế đồng thời duy trì thanh khoản VND dồi dào trên thị trường để hỗ trợ bình ổn mặt bằng lãi suất VND.

Tuy nhiên, cùng với động thái điều hành của Ngân hàng Nhà nước thì cũng có nhiều đối tượng trục lợi từ việc thu gom USD trong các ngân hàng thương mại để bán ra thị trường “chợ đen” và “ăn” chênh lệch tỷ giá.

Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng hành vi “bắt tay” nhau để hình thành những đường dây mua đi bán lại USD nhằm hưởng tiền chênh lệch ở thị trường “chợ đen” là vi phạm pháp luật.

“Việc đầu tiên họ mua được ngoại tệ với giá rất rẻ vì ngân hàng bán với giá chính thức, trong khi đó đối tượng lại dùng USD đó đưa ra chợ đen để bán với giá cao hơn. Nếu chỉ có một nhóm nhỏ thì cũng chưa tác động nhiều tới nền kinh tế, nhưng nếu xảy ra một cách đại trà sẽ vi phạm 2 quy định. Thứ nhất là hành vi lừa đảo do làm giả giấy tờ, thứ hai là những người này không được phép kinh doanh ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Với hai tội danh đó, những đối tượng có liên quan có thể bị phạt hành chính, nặng hơn thì sẽ bị hình sự nếu số lượng ngoại tệ lớn,” ông Hiếu phân tích.

Hành vi này theo ông Hiếu, có thể tạo ra nhu cầu ngoại tệ ảo, thu lời bất chính và làm cho thị trường ngoại tệ của Việt Nam có những biến động khó lường. Điều này gây nguy hiểm cho công tác kiểm soát thị trường ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước.

Ngoài ra, nếu số tiền trục lợi là lớn và tích tụ lại sẽ đe dọa quỹ dự trữ ngoại hối, có thể tác động trực tiếp đến việc điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước. Trong khi đó, thời gian qua, Ngân hàng nhà nước đã phải bơm ra thị trường khoảng 19 tỷ USD để bình ổn thị trường.

Bên cạnh đó, hiện tượng này cũng làm cho thị trường ngoại tệ trở nên mất cân đối, trong khi thị trường chợ đen lại tràn lan, đẩy giá USD lên, tạo ra nguồn cung giả và ảo về ngoại tệ.

Tình trạng “lách” quy định để mua đi-bán lại USD và hưởng chênh lệch tỷ giá trên thị trường “chợ đen” diễn ra phổ biến.

Đặc biệt, theo ông Hiếu, đây là điều sẽ gây bất lợi cho cả nền kinh tế, bởi Ngân hàng Nhà nước đang phải tập trung mọi nỗ lực để giải quyết vấn đề lãi suất và tỷ giá. Hai vấn đề này cùng một điểm chung là ổn định tiền đồng và ổn định nền kinh tế. Vì vậy, nếu hiện tượng này kéo dài có thể gây thiệt hại đến mức lớn thì sẽ đẩy tỷ giá lên và ảnh hưởng tới VND.

Cần phải kiểm soát chặt

Để tình trạng này không còn tài diễn, ông Hiếu đề xuất cần phải chặn ngay “cửa phòng tuyến đầu tiên” là giao dich giữa khách hàng và ngân hàng. Bởi theo ông Hiếu, nếu “cửa ngõ” này không kiểm soát được thì tình trạng mua bán ngoại tệ tại “chợ đen” vẫn hoành hành.

Theo ông Hiếu, Ngân hàng Nhà nước phải thông báo đến các ngân hàng thương mại khi nhận được yêu cầu mua ngoại tệ của khách hàng cần phải xem xét kỹ người đó có đủ điều kiện mua ngoại tệ hay không. Tất cả các nhân viên ngân hàng cấu kết với tội phạm phải được xử lý nghiêm để mang tính răn đe. Mặt khác, các công ty lữ hành có hành động “gian díu” với đối tượng lừa đảo cũng phải được xử lý nghiêm minh. Cơ quan công an cũng cần kiểm soát chặc chẽ hơn tại các “chợ đen.”

Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBank) là một trong những ngân hàng có nhân viên “bắt tay” với đối tượng gom USD, vì vậy ngày 27/9 ngân hàng này đã phát thông cáo báo chí cho biết đã lập tức kiểm tra, rà soát lại công tác mua, bán ngoại tệ đối với khách hàng cá nhân trên toàn hệ thống ngay sau khi nhận được phản ánh.

ABBank khẳng định một số cán bộ nhân viên xuất hiện trong phản ánh đã phát ngôn, chia sẻ thông tin không chính xác so với định hướng hoạt động của ngân hàng; chưa thể hiện hình ảnh chuẩn mực, chuyên nghiệp của cán bộ nhân viên ngân hàng khi tư vấn cho khách hàng về các hoạt động nghiệp vụ. 

ABBank đã có kiểm tra, đánh giá và sẽ có xử lý nghiêm những vi phạm đối với các cá nhân, đơn vị chưa có giám sát, thực hiện đúng chuẩn mực theo quy định của ngân hàng. Mặt khác, ABBank cũng tiến hành rà soát, kiểm tra công tác đào tạo nội bộ, các văn bản hướng dẫn cán bộ nhân viên trong hoạt động giao dịch, tiếp xúc khách hàng để đảm bảo việc phục vụ khách hàng chuẩn mực, đảm bảo lợi ích cao nhất cho khách hàng.

“Cho tới thời điểm hiện tại, ABBank xác định công tác mua, bán ngoại tệ tiền mặt phục vụ nhu cầu của khách hàng cá nhân được các đơn vị kinh doanh thực hiện theo đúng quy định, quy trình của ngân hàng,” đại diện ABBank thông tin.

Trong một động thái mới nhất, Ngân hàng Nhà nước cũng vừa ban hành văn bản số 6597/NHNN-QLNH yêu cầu các đơn vị trong hệ thống chấp hành nghiêm túc quy định quản lý ngoại hối đối với hoạt động thanh toán, chuyển tiền xuyên biên giới; các quy định liên quan đến việc bán, chuyển ngoại tệ cho các cá nhân với mục đích chuyển tiền một chiều ra nước ngoài, đảm bảo đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật.

Văn bản cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại cần thực hiện nghiêm túc các quy định về việc bán ngoại tệ tiền mặt và cấp Giấy xác nhận cho cá nhân mang ngoại tệ ra nước ngoài được phép theo quy định./.

Tỷ giá USD trên thị trường tự do sáng (27/9) tăng mạnh 31 đồng/USD chiều mua và chiều bán ra so với cùng thời điểm này sáng qua, giao dịch quanh mức 24.250-24.290 đồng/USD. Trong khi đó, ngân hàng Vietcombank niêm yết giá mua-bán USD ở mức 23.560 -23.870 đồng/USD, tăng 20 đồng.
Có thể thấy, trong bối cảnh căng thẳng ngoại tệ, chênh lệch tỷ giá chính thức và tỷ giá tự do lên cao (khoảng 400-1.000 đồng tùy từng thời điểm), cơ quan quản lý cần rà soát lại các quy định liên quan nhằm tránh tình trạng “chảy máu” USD từ kênh chính thức chảy ra thị trường chợ đen.

Thùy Linh

Link nguồn: https://www.vietnamplus.vn/truc-loi-chenh-lech-ty-gia-xu-ly-nghiem-de-tranh-bien-dong-kho-luong/820547.vnp