Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Từ vụ khăn lụa Khaisilk, cảnh báo việc hàng nhập ngoại gắn...

Từ vụ khăn lụa Khaisilk, cảnh báo việc hàng nhập ngoại gắn mác ‘Made in Vietnam’

0

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian gần đây nhiều trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.

Theo Cục Xuất nhập khẩu hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Có trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.

Điển hình có thể kể đến vụ việc khăn lụa Khaisilk gian lận về nhãn mác, gây bất bình trong dư luận thời gian qua.

Hiện Việt Nam hiện chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là “Made in Viet Nam”, dẫn đến người tiêu dùng không thể kiểm chứng về chất lượng sản phẩm. Lợi dụng điều này, không ít mặt hàng nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam tham gia, hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.

Thực tế cho thấy, nhiều nước trên thế giới đã có quy định về việc ghi nhãn hàng hóa sản xuất trong nước. Ví dụ quy định của Thụy Sỹ đối với đồng hồ, quy định của Hoa Kỳ đối với ô tô, hàng dệt may và len, quy định của New Zealand đối với rượu vang…

Nhiều nước cho phép áp dụng việc ghi nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước. Một khi hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định.

Tiêu chí và điều kiện ghi nhãn xuất xứ có thể được quy định chung như: “made in…, produced in…” hoặc chi tiết đến từng công đoạn sản xuất, gia công hoặc chứa giá trị gia tăng cụ thể như “designed by/in…, assembled in…, processed in…, packaged in…, imported by/for”.

Về chế tài xử phạt, một số nước có chế tài xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa.

Trước thực trạng gian lận xuất xứ hàng hóa “Made in Vietnam” đang diễn ra, đại diện Cục Xuất nhập khẩu cho rằng, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng tiêu chí, quy định về hàng hóa sản xuất trong nước; đồng thời có chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm, trước hết với các mặt hàng như: dệt may, da giày… nhằm bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.

Theo Thành Nam/Thương gia