Home Kinh doanh Chuyển động ‘Việt Nam là một trong những thiên đường thuế TNDN’

‘Việt Nam là một trong những thiên đường thuế TNDN’

0

“Việt Nam là một trong những thiên đường thuế đứng trên góc độ Thuế Thu nhập doanh nghiệp”, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn nói tại Hội thảo về “Các công cụ quản lý ngân sách nhà nước”.

Theo ông Nguyễn Văn Phụng, “qua nhiều lần sửa đổi, có thể nói hiện nay thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam hiện nay đang ở mức rất cạnh tranh theo hướng có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước”.

Ông Phụng cho rằng cách đây 10, 15 năm để thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã xây dựng rất nhiều chính sách ưu đãi thuế, đặc biệt cho các doanh nghiệp FDI. Có rất nhiều dự án, Chính phủ đã ký ưu đãi thuế trong 20, 30 năm; thậm chí suốt vòng đời dự án. Vì vậy, hiện nay việc bãi bỏ các chính sách ưu đãi thuế cũng không hề đơn giản. Bởi lẽ, Chính phủ cũng cần kiên trì thực hiện cam kết từ đầu”.

Theo Báo cáo “Đánh giá chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam” do Oxfam thực hiện năm 2017, chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam hiện nay lớn và dàn trải; ưu đãi về thời gian miễn thuế, giảm thuế của Việt Nam dài hơn và có phạm vi rộng hơn một số nước trong khu vực. Việt Nam áp dụng chính sách ưu đãi thuế khá cao cho các dự án đầu tư vào các địa bàn kém phát triển hay các khu kinh tế. Những ưu đãi thuế có thể thúc đẩy hành vi chuyển giá, chuyển lợi nhuận, gây xói mòn cơ sở thuế.

Một báo cáo khác của Ngân hàng Thế giới năm 2014 cũng chỉ ra rằng, 85% các nhà đầu tư ở Việt Nam khẳng đingh các chính sách ưu đãi thuế ở Việt Nam là không cần thiết.

Còn theo báo cáo Cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn kinh tế Thế giới 2017-2018 thì 3 yếu tố quan trọng nhất được công ty lựa chọn khi đầu tư không phải ưu đãi thuế, mà là cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực và ổn định xã hội.

“Để thu hút đầu tư của Samsung, một số nước chỉ ưu đãi thuế trong 10 năm nhưng Việt Nam ưu đãi đến 15 năm. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng cạnh tranh bằng ưu đãi thuế là cạnh tranh xuống đáy”, bà Nguyễn Thu Hương, Quản lý cao cấp Chương trình Quản trị của Oxfam chia sẻ.

Cũng theo bà Hương, để giảm chi phối của các nhóm lợi ích trong chính sách ưu đãi thuế, “Nhiều nước đã minh bạch chuyện ưu đãi thuế, công bố ưu đãi bao nhiêu, cho doanh nghiệp nào, dự án nào, lợi ích doanh nghiệp đó mang lại là bao nhiêu để nhân dân có thể giám sát được. Việt Nam chưa làm được việc đó”.

Liên quan đến vấn đề ưu đãi thuế, các chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng Việt Nam cần rà soát và loại bỏ những ưu đãi thuế không cần thiết, đồng thời giảm thiểu việc trốn thuế và tránh thuế qua các cơ chế giám sát, đặc biệt thực hiện tốt Nghị định 20/2017/NĐ-CP – Quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Theo Hoàng Lan/Vietnamfinance