Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Vingroup có hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu

Vingroup có hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu

0

Cuối tháng 6, tổng nợ phải trả của Vingroup cũng tăng mạnh, đạt 396.900 tỷ đồng, tương đương mức tăng ròng 48%.

Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất soát xét đã kiểm toán 6 tháng đầu năm 2022. So với báo cáo tự lập, báo cáo sau kiểm toán ghi nhận một số thay đổi trong kết quả kinh doanh nửa đầu năm.

Khoản nợ phải trả hơn 396.900 tỷ đồng

Theo báo cáo tài chính kiểm toán, nợ phải trả của Vingroup đã tăng mạnh, từ mức hơn 268.800 tỷ đồng đầu năm lên 396.900 tỷ đồng tại ngày 30/6, tương đương mức tăng ròng 48%.

Nguyên nhân dẫn tới thay đổi nằm ở số dư người mua trả tiền trước khi tăng gần gấp 3 lần, đạt trên 62.700 tỷ đồng. Đây chủ yếu là các khoản tiền được người mua nhà của Vingroup trả tiền trước theo các hợp đồng chuyển nhượng bất động sản đã ký kết, đạt xấp xỉ 134.100 tỷ đồng. Về bản chất đây là doanh thu trong tương lai của Vinhomes – công ty con của Vingroup.

Bên cạnh đó, Vingroup có các khoản phải trả ngắn hạn khác nhưng chưa đến hạn thanh toán như: nợ nhà cung cấp, thuế và các khoản chi phí xây dựng trích trước…

Riêng tổng nợ vay, gồm vay ngân hàng, vay các tổ chức tín dụng, trái phiếu, theo công bố của Vingroup, nằm mức hơn 166.580 tỷ đồng, tăng 27% so với đầu năm.

Một điểm đáng lưu ý, Vingroup tính đến hết quý II có hơn 2.088 tỷ đồng nợ xấu, tăng tới 84% so với hồi đầu năm. Trong đó, giá trị có thể thu hồi là 1.249 tỷ đồng. Chiếm phần lớn trong khoản nợ xấu của Vingroup là các khoản phải thu quá hạn thanh toán, chiếm 96,5% tổng nợ xấu của Vingroup trong 6 tháng đầu năm.

Vingroup giữ khoản tiền mặt và tương đương tiền hơn 42.200 tỷ đồng. Như vậy, xét nợ vay thuần (nợ vay sau khi trừ đi tiền và tương đương tiền) trên tổng tài sản là 0,24 lần.

Doanh thu giảm, tài sản tăng

Bên cạnh yếu tố về nợ, Vingroup ghi nhận những tín hiệu tích cực khi tổng tài sản, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm tăng mạnh. Cụ thể, sau nửa năm kinh doanh 2022, Vingroup ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất hơn  31.600 tỷ đồng, giảm 48% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh thu sụt giảm chủ yếu do các dự án bất động sản đang trong quá trình xây dựng và sẽ được bàn giao nhiều trong nửa cuối năm nay. Dù vậy các lĩnh vực còn lại đều ghi nhận sự hồi phục và tăng trưởng tốt sau đại dịch Covid-19 như kinh doanh khách sạn và vui chơi giải trí tăng 80%, y tế và giáo dục tăng lần lượt 44% và 14% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ đi giá vốn, chi phí, thuế… Khấu trừ các chi phí, lợi nhuận sau thuế bán niên 2022 tăng từ mức 1.028 tỷ đồng trên báo cáo chưa kiểm toán lên 1.065 tỷ đồng.

Tổng tài sản của Vingroup tại ngày 30/6 đạt xấp xỉ 528.960 tỷ đồng, tăng 23% so với mức ghi nhận cuối năm ngoái.

Hàng tồn kho của Vingroup cuối quý II/2022 tăng 61% lên gần 80.980 tỷ đồng. Nguyên nhân do chỉ tiêu bất động sản để bán đang xây dựng liên quan đến dự án mới mở bán Vinhomes Ocean Park 2 – The Empire. Tập đoàn này cho biết các sản phẩm dự kiến được giao từ quý III/2022 có thể giúp hoàn thành mục tiêu đề ra ở mảng bất động sản.

Hồ sơ doanh nghiệp - Vingroup có hơn 2.000 tỷ đồng nợ xấu
Vingroup và Vinhomes góp mặt trong top 3 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán Việt Nam. (Ảnh: FireAnt)

Trong 6 tháng đầu năm, Vingroup đã tiến hành động thổ hai dự án nhà ở xã hội đầu tiên tại Thanh Hóa và Quảng Trị với tổng quy mô hơn 40.000 m2, dự kiến cung cấp ra thị trường khoảng 3.500 căn nhà với nhiều loại diện tích linh hoạt, đáp ứng nhu cầu nhà ở giá rẻ cho người lao động.

Mã VIC kết phiên sáng 30/8 dừng tại mức 63.600 đồng/cổ phiếu, tương ứng giảm 37% so với hồi đầu năm. Trên sàn chứng khoán Vinhomes và Vingroup xếp lần lượt vị trí thứ 2 và thứ 3 về vốn hóa, với Vinhomes trên 262.500 tỷ đồng và Vingroup hơn 238.100 tỷ đồng. Vị trí dẫn đầu hiện là Vietcombank.

Trần Thu Thảo

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/vingroup-co-hon-2000-ty-dong-no-xau-a567160.html