Home Giá vàng – ngoại tệ Kinh doanh Vụ án của ông Trịnh Văn Quyết khiến 1 DN ‘họ’ FLC...

Vụ án của ông Trịnh Văn Quyết khiến 1 DN ‘họ’ FLC báo lỗ kỷ lục

0

Năm 2022, FLC Stone báo lỗ sau thuế hơn 150 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ 2021 vẫn có lãi 11 tỷ đồng, là năm đầu tiên doanh nghiệp báo lỗ kể từ khi thành lập năm 2011.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố của Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản FLC Stone (HoSE: AMD), tính riêng quý IV/2022, FLC Stone ghi nhận doanh thu thuần đạt 21 tỷ đồng, giảm mạnh 90% so với cùng kỳ 2021.

Giá vốn hàng bán giảm gấp 10 lần xuống chỉ còn 20 tỷ đồng khiến lãi gộp chỉ đạt gần 1,2 tỷ đồng, chỉ bằng khoảng 1/8 kết quả kỳ trước.

Trong kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến 38 lần từ 3,3 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lên 126 tỷ đồng. Con số này lớn gấp 6 lần doanh thu khiến doanh nghiệp lỗ sau thuế 127 tỷ đồng trong quý IV, trong khi cùng kỳ năm trước vẫn có lãi 1,7 tỷ đồng. 

Lũy kế cả năm 2022, FLC Stone đạt doanh thu thuần gần 486 tỷ đồng, giảm gần 70% năm trước và báo lỗ sau thuế đến hơn 150 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021 vẫn có lãi 11 tỷ đồng. Đáng chú ý, đây là năm đầu tiên doanh nghiệp báo lỗ kể từ khi thành lập năm 2011.

Theo giải trình của công ty, tổng doanh thu quý IV sụt giảm mạnh do ảnh hưởng khách quan của việc Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết bị bắt trong năm 2022 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường chứng khoán và che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán đã dẫn đến việc các đối tác và ngân hàng dừng hợp đồng mua bán và dừng thi công các công trình xây dựng.

Nguyên nhân dẫn đến lỗ sau thuế là do công ty trích lập bổ sung dự phòng của một số khoản thu nợ phải thu theo quy định.

Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của FLC Stone sụt giảm 15% xuống mức 2.207 tỷ đồng. Trong đó, các khoản phải thu của FLC Stone đạt 1.219 tỷ đồng, giảm 20%; tài sản ngắn hạn khác giảm 48%, xuống 5.990 tỷ đồng. Đáng chú ý, giá trị dự phòng phải thu khó đòi đạt gần 151 tỷ đồng, lớn gấp 111 lần số đầu năm.

Cũng đến cuối năm 2022, nợ phải trả của doanh nghiệp bốc hơi 23%, xuống mức 459 tỷ đồng, chủ yếu do vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (chiếm gần 48% tổng dư nợ) giảm 32% xuống mức 216 tỷ đồng. Đáng chú ý, chi phí phải trả ngắn hạn tăng gấp 14 lần lên 12,2 tỷ đồng.

Trong một diễn biến khác, mới đây, FLC Stone cho biết đã ký kết hợp đồng kiểm toán với Công ty TNHH Kiểm toán và tư vấn UHY, đơn vị này cũng đang là công ty kiểm toán của Tập đoàn FLC.

Trước đó, vào 21/10/2022, FLC Stone đã công bố biên bản giải trình tình trạng chứng khoán bị đưa vào diện hạn chế giao dịch, trong đó cho biết công ty đã liên hệ được với đơn vị kiểm toán và đang trong quá trình thương thảo hợp đồng.

Hiện tại, cổ phiếu AMD của FLC Stone đã bị Sở Giao dịch Chứng khoán Tp.HCM từ diện kiểm soát sang diện bị hạn chế giao dịch, do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính bán niên năm 2022 đã được soát xét quá 45 ngày so với thời hạn quy định.

Lê Thanh Hồng

Link nguồn