Home Ấn tượng 24H Bất chấp cổ phiếu họ “FLC” ngang giá trà đá, GAB tăng...

Bất chấp cổ phiếu họ “FLC” ngang giá trà đá, GAB tăng kịch trần lên 15.400 đồng

0

Ngày 11/7/2019, cổ phiếu GAB của Công ty cổ phần GAB do Tập đoàn FLC sáng lập chính thức chào sàn HoSE và lập tức tăng kịch trần hai phiên liên tiếp lên 15.400 đồng/CP. Liệu kịch bản “giá tăng phi mã” có lặp lại hay không?    

GAB là mã chứng khoán thứ 7 có liên quan tới các lãnh đạo Tập đoàn FLC lên sàn

Trên sàn HoSE sáng nay, cổ phiếu GAB với khối lượng niêm yết lần đầu là 13.800.000 cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ là 138 tỉ đồng đã có phiên tăng trần thứ hai. Từ giá khởi điểm chỉ 12.000 đồng/CP ngày 11/7, cao hơn 20% mệnh giá cổ phần, nhưng đến hôm nay GAB đã tiếp tục tăng trần, lên mức 15.400 đồng/CP (tăng 28,33% so với phiên chào sàn). Khối lượng khớp lệnh đạt 891.000 đơn vị, giá trị tương ứng 13,72 tỉ đồng…

Được biết, Tập đoàn FLC từng là cổ đông sáng lập của GAB với tỷ lệ sở hữu 80%, trước khi giảm xuống dưới 9% khi doanh nghiệp này niêm yết.

Do đó, ngay từ khi có thông tin GAB lên sàn HoSE, giới đầu tư đã râm ran về một cổ phiếu “đầu cơ” mới xuất hiện, có thể lặp lại diễn biến như quá khứ trước đây của ROS, ART, KLF…

Tuy nhiên, không ít nhà đầu tư bày tỏ nghi ngại về giá cổ phiếu GAB liệu có bị “thổi giá” lên quá cao so với giá trị trên sổ sách, hay giá trị thực tế của doanh nghiệp này hay không?

Bởi lẽ, GAB được giới thiệu có mức vốn điều lệ 138 tỉ đồng nhưng đây chỉ là mức vốn pháp định do doanh nghiệp đăng kí và chưa rõ các cổ đông đã thực góp vốn là bao nhiêu?

Tổng hợp các tài liệu của Kinh tế môi trường cho thấy, nhóm công ty thuộc sở hữu của Tập đoàn FLC và có liên quan tới nhiều lãnh đạo của công ty đã không được cổ đông góp đủ vốn điều lệ như đăng kí. Đến thời điểm 31/12/2018, Tập đoàn FLC vẫn còn góp thiếu vốn vào 19 công ty con và công ty liên kết với tổng cộng số vốn thiếu khoảng 6.041 tỉ đồng. Số vốn góp bị thiếu thấp nhất là 500 triệu đồng, lớn nhất lên tới hơn 1.000 tỉ đồng. Đơn cử, FLC góp thiếu vốn 1.049 tỉ đồng vào CTCP FLC Quy Nhơn Golf & Resort (FLC nắm 99,98%), Công ty TNHH Hàng không Tre Việt sở hữu hãng hàng không Bamboo Airways bị góp thiếu 1.058 tỷ đồng…  

Hơn nữa, GAB có quy mô vốn điều lệ hàng trăm tỉ đồng, nhưng kết quả kinh doanh của công ty trước thời điểm niêm yết lại rất èo uột, dù số liệu tài chính đã bất ngờ tăng trưởng “đẹp” hơn trên sổ sách để chuẩn bị cho kế hoạch lên sàn chứng khoán. Cụ thể, năm 2018, GAB ghi nhận doanh thu từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt trên 92,2 tỉ đồng, tăng 123% so với năm trước. Lợi nhuận trước thuế chỉ đạt gần 7,8 tỉ đồng, giảm gần 1 tỉ đồng so với năm 2017.

Hết quý 1/2019, doanh thu của GAB cũng chỉ đạt hơn 16 tỉ đồng và lợi nhuận gộp ở mức hơn 10,1 tỉ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 2,6 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 2 tỉ đồng.

Kết quả kinh doanh của GAB trong 2 năm qua. Nguồn: Báo cáo tài chính công ty

Năm 2019, GAB đặt mục tiêu sẽ đạt doanh thu 150 tỉ đồng trong năm nay, lợi nhuận dự kiến là 14 tỉ đồng, tức tăng gấp đôi so với năm 2018. Liệu mức lợi nhuận ít ỏi này có đủ để đảm bảo trích lập các quỹ đầu tư, tạo nguồn bổ sung vốn kinh doanh, hay đảm bảo chia cổ tức cho cổ đông không?

Một băn khoăn của nhà đầu tư ở thời điểm này là giá cổ phiếu GAB sẽ diễn biến theo kịch bản nào khi kết quả kinh doanh đang “khập khiễng” so với quy mô vốn điều lệ GAB và mức giá giao dịch trên sàn chứng khoán?

Nhìn lại lịch sử giao dịch một số mã cổ phiếu có liên quan tới ông Trịnh Văn Quyết, có thể thấy một kịch bản lặp lại là giá cổ phiếu chào sàn rất thấp, bất ngờ tăng mạnh lên mức đỉnh cao gấp 8-20 lần giá chào sàn ban đầu. Đơn cử, ROS có giá chào sàn HoSE chỉ là 12.000 đồng/CP, sau thời gian ngắn đã tăng lên đỉnh 225.000 đồng/CP, ART chào sàn giá 5.000 đồng/CP và chạm đỉnh 41.800 đồng/CP…

Thế nhưng, trái với kỳ vọng của nhà đầu tư, hai cổ phiếu này đã nhanh chóng quay đầu lao dốc không phanh với mức giảm kinh hoàng như khi tăng phi mã trước đó, giờ thị giá các cổ phiếu ART, KLF, HAI… chỉ còn ngang giá trà đá ở quanh mức trên dưới 2.000 đồng/CP. Không ít nhà đầu tư đã ngậm trái đắng với các mã cổ phiếu từng được xếp vào nhóm “đầu cơ lướt sóng” này.

Công ty cổ phần GAB tiền thân là Công ty cổ phần Gạch Tuynel FLC – Đò lèn Hậu Lộc, được thành lập tháng 5/2016 và trụ sở tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. GAB chuyên sản xuất, kinh doanh gạch đặc tuynel, cung cấp cho các công trình xây dựng tại khu vực miền Trung, trong đó chủ yếu là cung cấp vật liệu cho các dự án của Tập đoàn FLC và nhóm công ty liên quan…
Từ vốn điều lệ ban đầu chỉ 50 tỉ đồng, do tập đoàn FLC góp 80% và hai cổ đông cá nhân, mỗi người góp 10%, công ty đã nhanh chóng nâng vốn lên 138 tỉ đồng ngay trước thời điểm lên sàn. Tính tới ngày 16/5/2019, GAB có 5 cổ đông lớn nắm tổng cộng gần 45% vốn điều lệ. Trong đó, cổ đông cá nhân lớn nhất là Trần Thị Thúy sở hữu 18,5%, giữ vị trí Chủ tịch HĐQT công ty. Được biết, cập nhất gần nhất cổ đông Tập đoàn FLC đã giảm sở hữu xuống gần 9%.Ông Nguyễn Công Nam góp 23 tỉ đồng, tương đương 16,67% cổ phần.
Ông Trần Thế Anh góp vốn 10 tỉ đồng, chiếm tỷ lệ sở hữu 7,25% vốn điều lệ và được bổ nhiệm làm Ủy viên HĐQT của GAB từ ngày 15/3/2019. Hiện nay, ông Trần Thế Anh cũng đang là Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC.

Theo Trung Thành/Kinh tế môi trường