Việc tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7 là đúng đắn và rất cần thiết, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực to lớn của Chính phủ trong việc đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu lao động, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng, có hiệu lực từ 1/7/2022. Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thu Phước (Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum) đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong việc bảo đảm lộ trình tăng lương cho người lao động trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do dịch COVID 19.
Theo đại biểu, trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tỉ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao, tiền lương tối thiểu vùng đã không tăng, thu nhập giảm, trong khi đó, tình hình vật giá leo thang khiến đời sống của người lao động khó khăn chồng chất khó khăn, phải lo lắng về từng bữa cơm, manh áo, tác động tiêu cực đến nguồn nhân lực cũng như tiến độ phục hồi kinh tế-xã hội của đất nước.
Trước tình hình đó, bên cạnh việc hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế bằng những chính sách tài khoá, tín dụng… Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của các bên liên quan, quyết định tăng lương tối thiểu vùng với mức tăng là 6% so với hiện nay.
“Đây là mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, việc này được thực hiện ngay từ ngày 1/7/2022, dù trước đó, 8 hiệp hội có lượng lao động lớn đã kiến nghị Chính phủ lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng đến ngày 1/1/2023”, bà Trần Thị Thu Phước nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng ngay từ ngày 1/7 là đúng đắn và rất cần thiết, thể hiện sự quyết tâm và nỗ lực to lớn của Chính phủ trong việc đáp ứng nguyện vọng của hàng triệu lao động, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Đồng thời, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, động viên tinh thần người lao động, tạo động lực để phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội đất nước.
Lần đầu tiên Việt Nam có quy định tiền lương tối thiểu theo giờ
Điểm mới của Nghị định lần này là quy định tiền lương tối thiểu theo giờ. Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước, đây là lần đầu tiên Việt Nam có quy định về tiền lương tối thiểu theo giờ. Quy định này là cơ sở để tăng độ phủ an sinh, đảm bảo quyền lợi của người lao động đối với những công việc có tính chất linh hoạt, bán thời gian như làm việc cho các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ (như nhà hàng, siêu thị, quán cafe…).
Theo đại biểu, bước đầu thực hiện lương tối thiểu giờ thì cách tính mà Bộ LĐTB&XH đưa ra là phù hợp, đỡ xáo trộn khi lấy lương tối thiểu tháng chia cho số giờ làm việc tiêu chuẩn. Tuy nhiên, người lao động hưởng lương theo giờ thiệt thòi hơn so với hưởng lương tháng vì không được hưởng các chế độ phúc lợi như nghỉ phép, ốm đau, bảo hiểm xã hội, y tế, phụ cấp…
Đại biểu Trần Thị Thu Phước kiến nghị, thời gian tới, Chính phủ cần nghiên cứu để điều chỉnh tăng lương tối thiểu giờ lên dần dần để đảm bảo đời sống người lao động, đồng thời, nghiên cứu thí điểm quy định hệ số cộng thêm phù hợp với đặc thù từng ngành nghề, lĩnh vực, trên cơ sở hài hòa quan hệ lao động để tính lương tối thiểu giờ, qua đó, góp phần hoàn thiện chính sách tiền lương của Việt Nam.
Nhật Nam
Link nguồn: https://baochinhphu.vn/quyet-tam-va-no-luc-to-lon-cua-chinh-phu-dap-ung-nguyen-vong-cua-hang-trieu-lao-dong-102220614103122654.htm