Theo GS Bùi Công Hiển, hiện để tìm được Đông trùng hạ thảo thật là rất hiếm, Đông trùng hạ thảo không dễ tìm đến mức hỏi là có, muốn mua bao nhiêu cũng được.
Đông trùng hạ thảo được biết đến là một loại dược liệu quý, có nhiều công dụng trong việc tăng cường sức khỏe, chữa bệnh. Chính vì thế, giá thành của nó vô cùng đắt đỏ, tuy nhiên hiện nay trên thì trường khá nhiều chủ thương chào hàng Đông trùng hạ thảo với giá chỉ vài trăm nghìn.
Dạo một vòng các hội nhóm online, dễ dàng thấy rất nhiều tiểu thương đăng bán Đông trùng hạ thảo với lời mời hấp dẫn: “Đông trùng tươi, sấy thăng hoa ngập xưởng, khách cần nguồn hàng chất lượng, đẹp, không lo về giá hay thiếu hụt hàng…”. Tuy nhiên, giá được rao bán chỉ gần 200 nghìn/100g. Tại các hội nhóm, tình trạng rao bán diễn ra tấp nập.
Tương tự, tại các sàn giao dịch điện tử, Đông trùng hạ thảo cũng được bán với giá “vô kể”, có shop bán chỉ vài trăm nghìn/1kg, nhưng cũng có shop bán tận vài triệu đến chục triệu/1kg. Điều này khiến người mua hoang mang không biết loại nào có lợi cho sức khỏe.
Chị Nguyễn Quỳnh (Hà Nội) cho biết, mẹ chị mới khỏi Covid-19 được vài ngày, chị dự định lên mạng mua Đông trùng hạ thảo để bồi bổ sức khỏe cho mẹ. Thế nhưng lướt qua vài chỗ bán, chị thấy mỗi nơi để giá một kiểu khiến chị hoang mang.
“Một số nơi tôi tham khảo và hỏi giá, người ta bảo có loại chỉ 200-300 nghìn đồng/1kg, nhưng có loại vài gram mất những tiền triệu, được tặng thêm táo đỏ,…công dụng xem như “thần dược”, quá nhiều sự lựa chọn khiến tôi không biết nên mua như thế nào mới đúng là hàng thật”, chị Quỳnh cho biết.
Trao đổi với Người Đưa Tin, GS Bùi Công Hiển, nguyên giảng viên khoa Sinh, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định thực tế hiện nay, để tìm được đông trùng hạ thảo thật là rất hiếm. Đông trùng hạ thảo không dễ tìm đến mức hỏi là có, muốn mua bao nhiêu cũng được.
GS. Bùi Công Hiển cho biết, Đông trùng hạ thảo được hình thành từ hiện tượng ấu trùng các loài bướm thuộc chi Thitarodes bị nấm thuộc chi Ophiocordyceps và/hoặc Cordyceps ký sinh. Đó là một dạng ký sinh giữa một loài nấm túi có tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis với sâu non (ấu trùng) của một loài côn trùng thuộc chi Thitarodes.
Thường gặp nhất là sâu non của loài Thitarodes baimaensis hoặc Thitarodes armoricanus. Ngoài ra còn 46 loài khác thuộc chi Thitarodes cũng có thể bị Ophiocordyceps sinensis ký sinh. Các loài nấm này phân bố rộng ở châu Á và châu Úc với trung tâm đa dạng là vùng Đông Á, đó là các cao nguyên cao hơn mặt biển từ 4.000 đến 5.000m như: Tây Tạng, Tứ Xuyên, Thanh Hải, Cam Túc, Vân Nam (Trung Quốc)
Vào mùa đông, nấm bắt đầu ký sinh vào sâu non và làm chết sâu non vì ăn hết chất dinh dưỡng của chúng. Những con sâu này có thể đã ăn phải bào tử nấm hoặc chúng mắc bệnh nấm ký sinh từ các lỗ thở. Đến khi sợi nấm phát triển mạnh, chúng xâm nhiễm vào các mô vật chủ, sử dụng hoàn toàn các chất dinh dưỡng trong cơ thể sâu.
Đến một giai đoạn nhất định thường là vào mùa hè ấm áp, nấm bắt đầu mọc ra khỏi sâu như một ngọn cỏ và vươn lên khỏi mặt đất phát triển thành dạng cây (hình dạng giống thực vật) và phát tán bào tử. Đông trùng hạ thảo chủ yếu tìm thấy vào mùa hè vùng núi cao trên 4.000m ở cao nguyên Thanh Tạng (Thanh Hải – Tây Tạng) và Tứ Xuyên (Trung Quốc).
Theo chuyên gia, Đông trùng hạ thảo hiện đang bán ở Việt Nam hiện nay thường được làm từ nhộng tằm, vì đông trùng rất hiếm, thường xuất hiện ở Tây Tạng, Trung Quốc với độ cao 3000-5000m.
Đông trùng hạ thảo dạng nước hiện nay được làm giả rất nhiều, có thể làm từ nước cam, tinh dầu, chất tạo màu… và uống vào không có tác dụng gì.
Đông trùng hạ thảo giả không chỉ xuất hiện ở các sản phẩm tinh chế mà ngay cả con đông trùng thật cũng bị làm giả một cách tinh vi. Vì thế, việc phân biệt thật giả chỉ có người bán hàng mới biết được.
Ông Hiển cũng khuyến cáo, Đông trùng hạ thảo hay còn gọi nhộng trùng thảo đang bán phổ biến trên thị trường về cơ bản không gây hại cho sức khỏe. Tuy nhiên, để có tác dụng chống ung thư hay có những tác dụng thần kỳ khác thì người tiêu dùng phải cân nhắc rất kỹ. Nên đọc kỹ thành phần dược chất và nghiên cứu sản phẩm trước khi mua.
Thanh Lam
Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-chi-su-that-ve-dong-trung-ha-thao-gia-vai-tram-nghin-a564035.html