Home Tiêu điểm Bộ Công Thương tiếp tục xin ý kiến 6 vấn đề về...

Bộ Công Thương tiếp tục xin ý kiến 6 vấn đề về Quy hoạch điện VIII

0

Ngoài làm rõ nhiều nội dung theo yêu cầu của Chính phủ, Đề án Quy hoạch điện VIII vừa được Bộ Công Thương trình lại còn xin ý kiến 6 vấn đề.

Bộ Công Thương mới trình lại tờ trình 4778 ngày 11/8/2022 gửi Thường trực Chính phủ về Đề án Quy hoạch điện VIII.

Tại tờ trình này, có 6 vấn đề được Bộ Công Thương xin ý Thường trực Chính phủ trong tờ trình là rà soát các dự án điện than, điện khí; các dự án điện mặt trời; các chỉ tiêu liên quan đến điện tại Nghị quyết 55; cơ cấu nguồn đến năm 2030 trong Quy hoạch điện VIII.

Bên cạnh đó là các cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp và Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA).

Rà soát các dự án điện than, điện khí, ĐMT

Cụ thể, việc không đưa một số dự án nhiệt điện than, khí (14.120 MW nhiệt điện than, 1.500 MW nhiệt điện khí) vào dự thảo Quy hoạch điện VIII đã được Bộ Công Thương báo cáo rõ tại Văn bản số 412 ngày 22/7/2022, phù hợp với đề nghị của các địa phương, kiến nghị của các chủ đầu tư. Do đó, cơ bản không có rủi ro về mặt pháp lý.

Một số chi phí của các tập đoàn thuộc sở hữu Nhà nước đã bỏ ra để khảo sát, chuẩn bị đầu tư dự án, các tập đoàn có trách nhiệm xử lý theo quy định.

Quy hoạch điện VIII sẽ bỏ hơn 14.000 MW nhiệt điện than.

Về các dự án điện mặt trời, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục cho phép triển khai để đưa vào vận hành trong giai đoạn đến năm 2030 các dự án/phần dự án đã được quy hoạch, đã được chấp thuận nhà đầu tư, nhưng chưa vận hành với tổng công suất khoảng 2.428,42 MW.

Tuy nhiên, các dự án này cần phải tuyệt đối tuân thủ theo đúng các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, bám sát khả năng hấp thụ của hệ thống điện quốc gia và khả năng giải tỏa công suất của lưới điện; tuân thủ theo đúng cơ chế giá điện tại thời điểm đưa vào vận hành, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả dự án theo cơ chế được duyệt.

“Sau này, nếu các cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm thì sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thậm chí rút giấy phép đầu tư, đình chỉ dự án theo các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng”, Bộ Công Thương nêu rõ.

Trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận các dự án này được tiếp tục triển khai trong giai đoạn đến năm 2030, tổng công suất nguồn điện của hệ thống năm 2030 khoảng 148.358,5 MW đối với phương án phụ tải cao phục vụ điều hành.

Đồng thời Bộ Công Thương cũng đề nghị giãn tiến độ các dự án điện mặt trời đã được quy hoạch nhưng chưa được chấp thuận nhà đầu tư với tổng công suất 4.136,25 MW (đã được Bộ Công thương báo cáo tại Văn bản số 3787 ngày 4/7/2022) sang giai đoạn sau năm 2030.

Cơ cấu nguồn điện đến năm 2030

Liên quan đến Nghị quyết 55, với thực tế Quy hoạch điện VIII là một phần của Quy hoạch tổng thể phát triển năng lượng quốc gia và đang dự kiến tổng công suất quy hoạch của các nguồn điện đến năm 2030 đạt 148.358 MW (gồm cả 2.428,42 MW nguồn điện mặt trời nếu được chấp thuận triển khai trước năm 2030); sản lượng điện đến năm 2030 khoảng 551,3-595,4 tỷ kWh và nhu cầu nhập khẩu LNG sẽ ở mức 14-18 tỷ m3 vào năm 2030 và khoảng 13-16 tỷ m3 vào năm 2045, cao hơn so với Nghị quyết 55 do giảm quy mô nhiệt điện than.

Bộ Công Thương cũng nhận định rằng, Quy hoạch điện VIII cơ bản phù hợp, không vi phạm với mục tiêu nêu tại Nghị quyết 55. Bộ Công Thương xin ý kiến Thường trực Chính phủ về vấn đề này.

Thường trực Chính phủ cũng được Bộ Công Thương kiến nghị xem xét thông qua đề án Quy hoạch điện VIII với cơ cấu nguồn đến năm 2030.

Cụ thể, tổng công suất các nhà máy điện (đã tính đến 2.428,42 MW công suất các dự án điện mặt trời sau khi đã rà soát nêu trên, đưa vào vận hành trước năm 2030) khoảng 120.995-148.358 MW (không tính điện mặt trời mái nhà và các nguồn đồng phát).

Trong đó, thủy điện (tính cả thủy điện nhỏ) đạt 26.795 – 28.946 MW chiếm tỉ lệ 19,5-22,1%; nhiệt điện than 37.467 MW chiếm tỉ lệ 25,3-31%; nhiệt điện khí (tính cả nguồn điện sử dụng LNG) 29.880 – 38.980 MW chiếm tỉ lệ 24,7-26,3%; năng lượng tái tạo ngoài thủy điện (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối…) 21.666 – 35.516 MW chiếm tỉ lệ 17,9-23,9%; nhập khẩu điện 3.937 – 5.000 MW chiếm tỉ lệ 3,3-3,4%.

Đề nghị chấp thuận cơ chế mua bán điện với EVN

Liên quan đến cơ chế đối với các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp, Bộ Công Thương đề xuất và đề nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cơ chế nhà đầu tư các dự án chuyển tiếp tiến hành đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong khung giá phát điện và hướng dẫn do Bộ Công Thương ban hành.

Với các dự án điện gió, điện mặt trời sẽ triển khai trong tương lai sẽ áp dụng cơ chế đàm phán giá điện và hợp đồng mua bán điện tương tự như nêu để đảm bảo tính đồng nhất của hành lang pháp lý với các dự án.

Còn các dự án đã được công nhận vận hành thương mại đề nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo để Bộ Công thương có cơ sở hướng dẫn việc rà soát, xem xét lại Hợp đồng giữa EVN với các chủ đầu tư nhằm hài hoà lợi ích giữa bên bán – bên mua – người tiêu dùng điện và Nhà nước.

Đồng thời có quyết định bãi bỏ các Quyết định 13/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, Quyết định số 37/2011 và Quyết định số 39/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió.

Về Quyết định thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (DPPA), hiện Dự thảo Quyết định đã được đăng tải công khai để lấy ý kiến.

Ngoài ra, do có một số quy định mới sửa đổi, nên Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp rà soát, có ý kiến về thẩm quyền ban hành thí điểm cơ chế này để Bộ Công Thương có cơ sở triển khai và thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/bo-cong-thuong-tiep-tuc-xin-y-kien-6-van-de-ve-quy-hoach-dien-viii-a564986.html