Home Tiêu điểm “Vì sao hai bệnh viện đang thực hiện cơ chế tự chủ...

“Vì sao hai bệnh viện đang thực hiện cơ chế tự chủ lại xin thôi?”

0

Nói về việc hai bệnh viện Trung ương xin dừng tự chủ toàn diện, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó tác động mạnh nhất là đại án Việt Á.

Vì sao hai bệnh viện lại xin thôi tự chủ?

Theo Nghị quyết 33/NQ-CP ngày 15/9/2019 của Chính phủ về thí điểm tự chủ toàn diện thì có 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế sẽ thực hiện chính sách này. Đến nay, mới có 2 bệnh viện thực hiện thí điểm là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai.

Tuy nhiên, sau hai năm thí điểm, thời gian gần đây cả hai bệnh viện tuyến Trung ương đều xin dừng tự chủ toàn diện bệnh viện, thông tin này đã nhanh chóng nhận được nhiều ý kiến phân tích trái chiều của giới chuyên môn, ĐBQH, lãnh đạo Bộ Y tế… Một câu hỏi được đặt ra là có nên tiếp tục thực hiện tự chủ bệnh viện hay không?

Về vấn đề này, trao đổi với Người Đưa Tin ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho rằng, nếu quay về cơ chế ban đầu là cơ chế Nhà nước bao cấp, quản lý hành chính thì sẽ không phát huy được tính năng động, sáng tạo và huy động được nguồn lực sẵn có cũng như tiềm năng của đội ngũ cán bộ công chức, đội ngũ y bác sĩ… Cho nên, tự chủ là để phát huy được các nguồn lực đó, bảo đảm khai thác sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư của Nhà nước.


ĐBQH Lê thanh Vân đặt câu hỏi “vì sao hai bệnh viện đang thực hiện cơ chế tự chủ lại xin thôi?”.

Theo ông Vân, vấn đề đặt ra là “vì sao hai bệnh viện đang thực hiện cơ chế tự chủ lại xin thôi?”, câu hỏi này cần phải có tổng kết nhất là đặt trong bối cảnh vừa qua có những vi phạm rất nghiêm trọng trong ngành y tế liên quan đến kit test Việt Á.

“Việt Á làm rung chuyển cả hệ thống y tế, trong đó liên quan đến tự chủ. Vì thế, phải đặt trong bối cảnh này để có tổng kết, đánh giá cặn kẽ vì sao cơ chế tự chủ vốn dĩ đang được thực hiện khá tốt mà bây giờ lại xin thôi?”, ông Vân nhìn nhận.

Dưới góc nhìn cá nhân, ông Vân cũng đưa ra một số nguyên nhân dẫn đến việc hai bệnh viện xin thôi tự chủ: “Thứ nhất, tác động mạnh nhất đó là đại án Việt Á. Bởi lẽ dù ít hay nhiều thì cũng liên quan đến vi phạm ở các đơn vị đang thực hiện cơ chế tự chủ, điển hình nhất là Bệnh viện Bạch Mai. Điều này phần nào cũng tác động đến quyền tự chủ.

Thứ hai, cơ chế tự chủ có toàn diện hay không? Hay chỉ trao cho họ quyền này nhưng quyền này lại bị kiểm soát bởi quyền kia? Vì thế, phải có tự chủ toàn diện, Nhà nước phải kiểm soát bằng thể chế là chính thay vì kiểm soát bằng những hành vi cụ thể”.

Đánh giá một cách toàn diện

Chỉ ra những nguyên nhân đó, ông Vân cho rằng hướng tới cần phải xem xét cơ chế tự chủ trên bốn phương diện:

Một là, tự chủ về tổ chức và nhân sự đây là quyết định số một, tự chủ về tổ chức và nhân sự không có nghĩa là bệnh viện toàn quyền quyết định mà quyết định trong khuôn khổ tự chủ và luật pháp cho phép.

“Chẳng hạn như mô hình tổ chức thì Nhà nước đưa ra khung khổ, còn việc lựa chọn linh hoạt là do các cơ sở khám chữa bệnh tự lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu khám chữa bệnh ở khu vực và thu hút được bệnh nhân đến khám chữa bệnh ở đó. Điều này góp phần giảm tải các trung tâm khám chữa bệnh nhất là khu vực nội thành. Điều hòa bằng chính cơ chế tự chủ, thông qua phương thức định hướng khuôn khổ cho phép mà bệnh viện được chọn mô hình khám, chữa bệnh thích hợp”, ông Vân phân tích.

Từ phân tích trên, ông Vân nhấn mạnh, tự chủ nhân sự ở đây là cấp trên chỉ quản lý cán bộ chủ chốt, có thể quản lý giám đốc bệnh viện còn giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức Đảng cùng cấp về việc tiến cử, đề bạt cấp phó, người đứng đầu phòng, ban chuyên môn của bệnh viện, chịu trách nhiệm trước pháp luật.

“Nên kiểm soát theo thể chế, theo khung khổ pháp luật quy định, khi nào vi phạm là tuýt còi và vi phạm nữa thì xử lý”, ông nói.

“Tự chủ thực hiện nửa vời”
ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan (đoàn Tp.HCM) đánh giá: “Tự chủ đang thực hiện rất nửa vời. Tự chủ thực ra chỉ mới dừng ở mức Nhà nước giảm hoặc không cung cấp lương còn tất cả những vấn đề khác từ tài chính cho tới nhân lực thì bệnh viện hoàn toàn chưa thể tự chủ được. Chính vì vậy, đã phát sinh rất nhiều hệ lụy”.
Bệnh viện Bạch Mai xin đề xuất chuyển đổi mô hình theo Nghị định 60 của Chính phủ tự chủ theo nhóm 2.

Hai là tự chủ về tài chính, theo ông Vân cơ bản hiện nay đã cho bệnh viện tự chủ nhưng khi nguồn thu nhập của các cơ sở khám chữa bệnh đủ sức để tự tái đầu tư thì cho bệnh viện quyền tự chủ về đầu tư. Bên cạnh đó, với vốn bệnh viện tự có từ nguồn thu từ cơ chế tự chủ tài chính thì bệnh viện có quyền tự chủ về đầu tư, căn vào các định mức chi phí, mua sắm thiết bị. Còn lại thì kiểm soát vốn đầu tư từ ngân sách.

Ba là vấn đề tự chủ về đầu tư, ông Vân nói: “Tại sao cùng một mặt hàng như lưỡi dao mổ mà cơ sở khám chữa bệnh công lập rất khó khăn mới mua được? Bởi, mua theo tiêu chí giá rẻ, chọn nhà thầu rẻ nhất thì đương nhiên như phàn nàn của bác sĩ sẽ chỉ mua được lưỡi dao cùn. Nhưng, cũng cơ chế đó mà các bệnh viện tư lại mua được dao tốt mà giá không đắt. Vì thế, tự chủ cần nghiên cứu tham khảo, học hỏi cách quản lý từ các cơ sở y tế tư nhân làm sao có phương pháp tốt nhất, giao cho bệnh viện quyền tự chủ về đầu tư. Trừ khi bệnh viện lạm dụng quyền này để trục lợi thì mới xử lý”.

Bốn là, bệnh viện cần được tự chủ về kế hoạch chương trình hoạt động của họ.

Với những gì nêu trên, ông Vân cho rằng: “Nếu dừng chủ trương thí điểm tự chủ trong khi chưa đánh giá kỹ càng lý do vì sao thì đó là việc làm chưa nên, như vậy là thụ động, tùy tiện trong ban hành chính sách. Việc ban hành chính sách phải kiểm tra xem tác động đến xã hội thế nào, hiệu quả ra sao, đánh giá nguyên nhân. Nếu chấp nhận đề xuất bỏ cơ chế tự chủ có nghĩa chủ trương tự chủ là thất bại, nên phải đánh giá nghiêm túc chủ trương đã được thể chế hóa bằng chính sách pháp luật đã đúng hay chưa? Trước một hiện tượng không bình thường thì các cơ quan quản lý Nhà nước phải đánh giá lại một cách toàn diện”.

Vướng mắc liên quan đến cơ chế tài chính
Tại buổi làm việc của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan với Bệnh viện Bạch Mai ngày 18/8 TS. Dương Đức Hùng, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai cho biết một trong những lý do Bệnh viện Bạch Mai xin dừng thí điểm tự chủ toàn diện là do chưa có cơ chế để thực hiện tự chủ.
“Từ năm 2020, Bệnh viện Bạch Mai được giao làm thí điểm tự chủ, nhưng bệnh viện chưa bao giờ được giao đủ điều kiện tự chủ là tự chủ về tổ chức bộ máy, tự chủ về giá và giao vốn để làm tự chủ. Điều đó có nghĩa bệnh viện đang tự chủ trên danh nghĩa”, TS. Dương Đức Hùng nói.
Bệnh viện Bạch Mai xin đề xuất chuyển đổi mô hình theo Nghị định 60 của Chính phủ tự chủ theo nhóm 2 – tức là đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.
Tương tự, Bệnh viện K cũng rơi vào “vòng xoáy” thiếu cơ chế khi triển khai thí điểm tự chủ toàn diện. GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K cho hay một số quyền tự chủ chưa rõ ràng, gọi là tự chủ nhưng chưa thấy có thay đổi nhiều. Thông tin với báo chí, ông Quảng nói: “Sau hai năm thực hiện thí điểm, bệnh viện đã tổng kết, phân tích ưu, nhược điểm và thấy còn có nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn được chuyển sang thực hiện tự chủ theo nhóm hai ở Nghị định 60, như Bệnh viện Bạch Mai đề xuất”.
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, hầu hết vướng mắc của các đơn vị liên quan cơ chế tài chính. Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết, từ đó đánh giá kỹ để trình lên Chính phủ. Nếu chúng ta tháo gỡ được vướng mắc này, cùng với việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về văn bản pháp luật, sẽ đưa ra hành lang pháp lý giúp cho bệnh viện có định hướng thời gian tới tốt hơn.

Hoàng Thị Bích

Link nguồn: https://www.nguoiduatin.vn/vi-sao-hai-benh-vien-dang-thuc-hien-co-che-tu-chu-lai-xin-thoi-a567172.html