Home Chứng khoán Cổ phiếu của Imexpharm lội ngược dòng sau khi công bố BCTC

Cổ phiếu của Imexpharm lội ngược dòng sau khi công bố BCTC

0

Sau khi công bố kết quả kinh doanh quý III tăng trưởng ấn tưởng, cổ phiếu IMP lội ngược dòng tăng lên 62.500 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh 31.500 đơn vị.

Phiên giao dịch ngày 19/10 đầy áp lực với mở đầu VN-Index giảm điểm cùng mức thanh khoản thấp kỷ lục, thậm chí hơn nửa số lượng cổ phiếu trong rổ VN30 đang chìm trong sắc đỏ như VIC, VCB, BCM, VNM,…

Sang đến phiên chiều, lực cầu bắt đáy dâng cao đã đẩy VN-Index cải thiện, nhưng sức ép bán trên thị trường lớn hơn đã đẩy chỉ số giảm xuống ở cuối phiên chiều. Kết thúc phiên giao dịch ngày 19/10, VN-Index giảm 15,55 điểm, tương đương 1,41% xuống 1.087 điểm. Như vậy, thị trường đã chính thức “thủng” mốc 1.100 điểm để về mức thấp nhất trong hơn 4 tháng qua, kể từ đầu tháng 6/2023.

Trong khi đó, mã IMP của Công ty Cổ phần Dược phẩm Imexpharm ngược dòng thị trường, tăng nhẹ lên 62.500 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh lên đến 31.500 đơn vị sau khi công bố báo cáo tài chính quý III/2023 với đà tăng trưởng ấn tượng.

Tài chính - Ngân hàng - Cổ phiếu của Imexpharm lội ngược dòng sau khi công bố BCTC
Diễn biến thị giá cổ phiếu IMP (Nguồn: FireAnt).

Về bức tranh tài chính, kết thúc quý III/2023, doanh thu thuần của Imexpharm tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 466,9 tỷ đồng. Do đà tăng của giá vốn hàng bán chậm hơn đà tăng của doanh thu nên lãi gộp theo đó tăng 5% lên 181,1 tỷ đồng.

Cấn trừ đi các chi phí, Imexpharm ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 25% so với cùng kỳ lên 69,7 tỷ đồng.

Phía Imexpharm cho biết, kết quả tăng trưởng đến từ hoạt động mở rộng thị trường trong quý III của công ty, cùng với việc cơ cấu lại danh mục sản phẩm, quản lý chi phí hiệu quả để khống chế mức tăng chi phí.

Cùng với kết quả kinh doanh khởi sắc 2 quý trước, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, Imexpharm mang về 1.385,8 tỷ đồng doanh thu, tăng 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhờ thu nhượng bán, thanh lý tài sản ở quý II tăng từ 28 tỷ đồng hồi đầu năm lên 2.31,2 tỷ đồng nên khoản thu nhập khác của công ty tăng gấp 4 lần lên 2.942,5 tỷ đồng.

Kết quả, Imexpharm báo lãi trước thuế và lãi sau thuế lần lượt 285,8 tỷ đồng và 227,2 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ và vượt lợi nhuận sau thuế 223,5 tỷ đồng cả năm 2022. So với mục tiêu lãi trước thuế 350 tỷ đồng trong năm 2023, Imexpharm đã thực hiện được 82% kế hoạch sau 9 tháng đầu năm.

Tính đến 30/9/2023, tổng tài sản của Imexpharm chạm mốc 2.486,7 tỷ đồng, tăng 9% so với thời điểm đầu năm. Lượng tiền mặt và và tiền gửi ngân hàng giảm gần 1 nửa so với đầu năm xuống gần 201 tỷ đồng.

Trong đó có gần 103 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn từ trên 3 tháng đến dưới 12 tháng và gần 66,3 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng.

Giá trị hàng tồn kho tăng 75% so với đầu năm lên gần 775 tỷ đồng; chủ yếu là nguyên vật liệu tăng 85% lên hơn 448,1 tỷ đồng và hơn 253,8 tỷ đồng thành phẩm.

Trong khi đó, chi phí xây dựng cơ bản dở dang giảm mạnh từ 580,7 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 59,3 tỷ đồng ở cuối quý III/2023. Nguyên nhân giảm do trong kỳ công ty không phát sinh chi phí máy móc tại các nhà máy sản xuất dược công nghệ cao và chi phí nhà máy sản xuất dược công nghệ cao, trong khi đầu kỳ ghi nhận lần lượt hơn 457,2 tỷ đồng và 72,6 tỷ đồng.

Thời điểm cuối quý III/2023, Imexpharm có 474,5 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 23% so với đầu năm và toàn bộ là nợ ngắn hạn. Vay nợ thuê tài chính ngắn hạn của doanh nghiệp giảm 15% do đã trả nợ gần 95 tỷ đồng cho Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Tuy nhiên, trong kỳ công ty phát sinh khoản vay 79,6 tỷ đồng từ Ngân hàng Shinhan Bank.

Vốn chủ sở hữu của Imexpharm ghi nhận ở mức hơn 2.012,2 tỷ đồng, tăng 6% so với thời điểm đầu năm, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tăng 51% lên gần 400 tỷ đồng.

Trần Thị Tú Anh

Link nguồn