Ban chỉ đạo IUU có nhiệm vụ chỉ đạo, phối hợp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong chống khai thác IUU của các địa phương.
Ngày 25/1, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan ký Quyết định số 407 về việc thành lập Ban Chỉ đạo chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), gỡ cảnh báo “thẻ vàng” và phát triển thủy sản bền vững.
Theo đó, Trưởng ban là ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU. Thành viên của ban, gồm lãnh đạo Cục Kiểm ngư, Cục Thủy sản, Cục Chất lượng – Chế biến và Phát triển thị trường, Cục Thú y, Vụ Tài chính, Vụ Kế hoạch, Vụ Hợp tác quốc tế, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ.
Ủy viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ liên quan theo chỉ đạo của Trưởng Ban và phân công lãnh đạo, chuyên viên của đơn vị theo dõi, tham mưu thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, có trách nhiệm phối hợp, cung cấp thông tin cho cơ quan thường trực IUU của Bộ (Cục Kiểm ngư) triển khai thực hiện.
Bộ NN&PTNT cũng thành lập Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo IUU, đặt tại trụ sở Cục Kiểm ngư. Cụ thể, Chánh Văn phòng là ông Dương Văn Cường – Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư. Phó Chánh Văn phòng là ông Nguyễn Minh Tánh, Phòng Nghiệp vụ Kiểm ngư, Cục Kiểm ngư.
Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chỉ đạo IUU được Bộ NN&PTNT được nêu tại 7 điểm. Một là, tham mưu, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU, đồng thời chỉ đạo tổ chức triển khai các chương trình, đề án, quy hoạch phục vụ phát triển thủy sản bền vững.
Hai là, chỉ đạo, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định pháp luật thủy sản, cơ chế, chính sách phục vụ quản lý ngành thủy sản bền vững, phù hợp với tình hình thực tiễn và hội nhập quốc tế và chống IUU.
Ba là, xây dựng các chương trình, kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU theo định kỳ hàng năm và đột xuất; xử lý các công việc thường xuyên, đảm bảo các điều kiện hoạt động hiệu lực, hiệu quả của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU.
Bốn là, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng và Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU; triển khai các hoạt động thông tin truyền thông, tuyên truyền tập huấn pháp luật và hợp tác quốc tế trong khai thác hải sản, chống khai thác IUU với các nước, tổ chức quốc tế và khu vực.
Năm là, đôn đốc, điều phối, phối hợp với các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan đề xuất Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU; chỉ đạo, phối hợp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong chống khai thác IUU của các địa phương.
Sáu là, theo dõi, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chống khai thác IUU của các ban, bộ, ngành, địa phương có liên quan; tổng hợp,xây dựng báo cáo, trình Thủ tướng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU kết quả thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU theo định kỳ, đột xuất.
Bảy là, thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Chính phủ và Thủ tướng.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, cả hệ thống chính trị đang tích cực vào cuộc để gỡ “thẻ vàng” IUU. Trên cơ sở đó, ngay từ những ngày đầu năm 2024, Bộ NN&PTNT đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các cảng cá tại 28 tỉnh, thành phố ven biển.
Dựa trên 4 khuyến nghị chính của Đoàn kiểm tra EC, gồm khung pháp lý, quản lý đội tàu, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác và xử lý vi phạm, Bộ NN&PTNT chủ động hướng dẫn địa phương thực hiện tốt những nội dung này, trước đợt kiểm tra lần thứ 5 của EC, dự kiến vào tháng 5 (hoặc 6) năm nay.