Nhiều ý kiến cho rằng, trả lương theo vị trí việc làm sẽ tăng tính chuyên nghiệp trong nền công vụ, không còn “sống lên lão làng”.
Tăng tính chuyên nghiệp trong nền công vụ
Cuối tháng 1 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, các địa phương, đơn vị phải hoàn thành danh mục vị trí việc làm trước ngày 31/3.
Theo ghi nhận, Bộ Nội vụ đang hoàn tất hồ sơ về cải cách tiền lương mới để trình các cấp có thẩm quyền trước khi trình Bộ Chính trị. Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, đây sẽ là cơ sở cho các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành văn bản thực hiện chế độ tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Chế độ lương mới sẽ được tính theo vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được giao; khắc phục được những điểm lạc hậu, hạn chế, bất hợp lý của cách tính lương hiện hành.
Theo tính toán của Chính phủ, để thực hiện cải cách tiền lương, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí tăng thêm từ ngân sách trong giai đoạn 2024 – 2026 là hơn 499 nghìn tỷ đồng. Trong đó, chi cho cải cách tiền lương là 470 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh lương hưu là 11,1 nghìn tỷ đồng và trợ cấp ưu đãi người có công là 18 nghìn tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, đây là lần cải cách tiền lương đồng bộ, toàn diện và căn bản; tiến bộ, công bằng, hài hòa và hợp lý. Nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương trung bình của công chức, viên chức sau khi thực hiện cải cách tiền lương tăng khoảng 30% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương (7,5 triệu đồng/tháng). Đáng chú ý, sau khi thực hiện cải cách tiền lương với bảng lương mới với mức lương tăng hơn so với hiện hành thì năm 2025 công chức, viên chức vẫn được tăng lương thêm 7%.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh, việc Quốc hội thông qua chính sách cải cách tiền lương lần này vừa mang tính lịch sử, vừa mang tính thời sự, tạo tâm trạng vui tươi, phấn khởi trong xã hội và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tuy nhiên, việc thu ngân sách thế nào, tiết kiệm chi ra sao để đảm bảo có nguồn cho tiền lương sau giai đoạn 2024 – 2026 là vấn đề cần phải quan tâm.
Theo nhận định của các chuyên gia, vị trí việc làm gắn với ngạch của công chức hoặc chức danh nghề nghiệp của viên chức và cũng là căn cứ để cơ quan quản lý công chức, viên chức tuyển dụng và quản lý các đối tượng này. Qua đó giúp cho việc nâng cao chất lượng công chức, viên chức. Do đó, việc hoàn thiện vị trí việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần tăng tính chuyên nghiệp trong nền công vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy.
Xóa “điểm nghẽn” để thu hút người tài
Theo giới chuyên gia lao động việc làm, cải cách tiền lương không chỉ đơn thuần là việc tăng lương cho người lao động hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, mà là thay đổi căn bản cách tính lương cho người lao động.
Bà Nguyễn Thị Việt Nga – Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, cho rằng, cách tính lương mới theo vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được giao sẽ khắc phục được những điểm hạn chế, bất hợp lý của cách tính lương đang áp dụng (tính lương theo hệ số, lương tăng dần theo số năm công tác…). Cải cách tiền lương không những đảm bảo đời sống cho người lao động, tạo sự công bằng hơn trong chi trả lương mà còn có ý nghĩa then chốt với việc nỗ lực nâng cao năng suất lao động khu vực công. Với sự biến động rất mạnh mẽ của tình hình kinh tế thế giới thì mức lương hiện tại của công chức, viên chức ở nước ta là điểm nghẽn cho việc thu hút người tài làm việc cho khu vực công.
Theo bà Nga, thời gian qua vấn đề “chảy máu chất xám” có nguyên nhân cơ bản là do tiền lương quá thấp, tỉ lệ nghịch với những áp lực công việc nên rất khó thu hút nhân lực, khó giữ chân người có năng lực.
Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thừa Thiên- Huế Nguyễn Thị Sửu nêu quan điểm, muốn đảm bảo chính sách cải cách tiền lương một cách công bằng, minh bạch, chính đáng ở tất cả mọi miền đất nước trong khu vực công, thì cần phải phân tích các nhóm đối tượng. Cùng với đó, cần tính toán thêm vùng sâu, vùng xa… hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước một cách hài hòa, tạo động lực để các địa phương có đủ sức tự cân bằng ngân sách, thu đủ chi, tạo sự phát triển toàn diện, giảm gánh nặng về ngân sách nhà nước để ngân sách nhà nước sử dụng vào những vấn đề vĩ mô.
Theo bà Sửu, khi chính sách cải cách tiền lương đi vào thực hiện (từ 1/7/2024), cần phải thực tiễn hóa một cách đồng bộ trên khắp mọi cơ quan trong khu vực công. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn và giám sát để chính sách thực sự đi vào cuộc sống.
Giá trị của sức lao động được đo bằng tiền lương. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tiền lương chưa bảo đảm cuộc sống cho người lao động và gia đình của họ. Đáng chú ý, trong cơ cấu tiền lương trước đây có những điểm bất hợp lý, mà cụ thể là có nhiều loại phụ cấp. Trong nhiều trường hợp, lương thấp nhưng phụ cấp cao, có khi phụ cấp tương đương với lương. Nói dễ hiểu thì có người được lĩnh 2 lần lương trong 1 tháng. Vì thế, dự kiến với cơ cấu trong bảng lương mới, thu nhập của 1 người 70% từ lương, phụ cấp không quá 30%, được xem là hợp lý.
Nêu ý kiến của mình, ông Nguyễn Tiến Dĩnh – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ nhận định, khi cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ phụ cấp thâm niên nghề (trừ quân đội, công an, cơ yếu)- Việc này sẽ hóa giải được câu chuyện phụ cấp cao hơn lương và chuyện “sống lâu lên lão làng” do tiền lương sẽ được thiết kế theo vị trí việc làm.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc triển khai thành công cải cách chính sách tiền lương khu vực công phụ thuộc rất nhiều vào kết quả, hiệu quả đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Rõ hơn, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo nguồn bền vững cho cải cách tiền lương phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để bảo đảm hiệu quả của chính sách tiền lương mới.
Tăng lương đi đôi với việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế
Theo ông Phạm Minh Huân – nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, từ năm 1960 đến thời điểm nay đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương (vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003). Chủ trương cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lao động trong doanh nghiệp được Trung ương đề ra tại Nghị quyết 27, từ năm 2018.
Về định hướng cải cách tiền lương sẽ thiết kế cơ cấu tiền lương mới khu vực công, gồm lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương), các khoản phụ cấp (chiếm 30%); bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).
Vị chuyên gia này nhìn nhận, việc quy định lương bằng lương cơ sở nhân hệ số nhiều năm liền đã không thể hiện rõ giá trị thực của tiền lương. Lương trả theo hệ số và cào bằng cả hệ thống công chức cùng hưởng lương như nhau, dù trình độ chuyên môn và hiệu quả công việc mỗi người khác nhau. Do vậy, việc bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay sẽ giúp bảng lương mới khắc phục được các hạn chế. Đồng thời khuyến khích công chức, viên chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và góp phần giữ chân được người tài trong hệ thống.
Theo Nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, một yếu tố quan trọng khác để cải cách tiền lương là cần tiếp tục thực hiện việc sắp xếp lại bộ máy. Cần xem lại việc tinh giản biên chế thực chất hay chưa. Chính sách tiền lương phù hợp thực tiễn là điều phải hướng tới xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; tạo động lực nâng cao năng suất lao động, chất lượng nguồn nhân lực; bảo đảm đời sống của người hưởng lương và gia đình họ. Trong đó, có cả việc giữ chân và thu hút nhân tài vào khu vực công.
PGS.TS. Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính quốc gia cho rằng, nhiều bộ, ngành và các đơn vị đã phê duyệt đề án vị trí việc làm, ngoài thuận lợi, đa phần tạo điều kiện thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhưng còn có những khó khăn, vướng mắc mà các đơn vị phải vượt qua: Thứ nhất, phải rõ trong tinh thần của những người lãnh đạo, những nhà làm quản lý là sự quyết tâm thực hiện tốt việc xây dựng vị trí việc làm. Thứ hai, vượt qua được, chống lại tư tưởng đang tồn tại trong cán bộ, công chức, viên chức là thông thường xây dựng vị trí việc làm sao cho bảo tồn biên chế hiện tại.
“Khi xây dựng tổ chức bộ máy, chúng ta đã tính toán chức năng, nhiệm vụ và tổng biên chế hiện nay đang có. Do đó, khi tính toán đến việc thực hiện các chức năng nhiệm vụ, tính toán đến cơ cấu của đội ngũ cán bộ, công chức, tính toán đến hiệu quả thực thi…đều liên quan đến tổ chức bộ máy này và cố gắng xây dựng tổ chức bộ máy cho gọn đầu mối nhưng vẫn tinh giản biên chế vừa đủ số lượng người thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ và loại bỏ bớt số người không phù hợp với vị trí việc làm hoặc không phù hợp với thiết chế tổ chức mới”, PGS.TS. Ngô Thành Can giải thích.
Để các đơn vị sắp xếp, tinh gọn bộ máy bảo đảm chính xác và khách quan nhất, khi xây dựng vị trí việc làm, các cơ quan, đơn vị sẽ tự thực hiện và sau đó, có thẩm định của cơ quan chức năng của bộ, ngành đó và thẩm định của các đơn vị có liên quan, thí dụ như Bộ Nội vụ…
Ông Vũ Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức – Biên chế, Bộ Nội vụ cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, các văn bản hướng dẫn đã có đầy đủ, việc còn lại là các bộ, ngành sẽ phê duyệt cái đề án vị trí việc làm đó. Và để sau khi có sự hướng dẫn về tiền lương theo vị trí việc làm thì chúng ta có thể áp dụng được ngay để thực hiện việc trả lương cho đội ngũ của chúng ta theo vị trí việc làm”.
M.Vy (t/h từ Nhân Dân, Đại Đoàn kết, Chính Phủ, Lao Động)