Nghiên cứu của Wood Mackenzie cho thấy nhu cầu khí đốt của Việt Nam sẽ tăng 12% mỗi năm và đạt mức tiêu thụ gấp ba lần vào giữa những năm 2030, trong khi nguồn cung nội địa đang giảm dần.
Theo nghiên cứu mới đây của Wood Mackenzie – nhà cung cấp dữ liệu, phân tích và tư vấn toàn cầu trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên – cho thấy Việt Nam đang đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng trong nhu cầu về khí đốt. Từ mức tiêu thụ hiện tại, nhu cầu khí đốt của Việt Nam được dự báo sẽ tăng trung bình 12% mỗi năm và đạt mức gấp ba lần vào giữa những năm 2030. Điều này đặt ra áp lực lớn cho ngành năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung nội địa từ các mỏ khí hiện tại giảm sút đáng kể, với mức giảm 25% trong vòng 5 năm qua.
Báo cáo của Wood Mackenzie dự báo nhu cầu khí đốt của Việt Nam không chỉ tăng mạnh vào những năm 2030 mà sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn đến năm 2050.
Theo các chuyên gia của Wood Mackenzie, sự chuyển dịch sang sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) không chỉ giúp duy trì sự ổn định cho hệ thống điện quốc gia mà còn đảm bảo an ninh năng lượng dài hạn cho Việt Nam.
Trong bối cảnh nhu cầu khí đốt gia tăng mạnh mẽ, Việt Nam cũng đối mặt với nhiều thách thức trong sản lượng nội địa. Các mỏ khí hiện tại – chủ yếu ở khu vực Đông Nam Bộ – đang bước vào giai đoạn cạn kiệt, dẫn đến nguồn cung nội địa giảm 25% trong 5 năm qua.
Tuy nhiên, vẫn có những tia hy vọng từ các dự án phát triển mới như Quyết định Đầu tư (FID) Lô B ở Lưu vực Malay. Dự án này dự kiến sẽ bổ sung 0,4 tỷ feet khối khí đốt mỗi ngày (tương đương 11.3 triệu mét khối) vào năm 2030. Ngoài ra, việc xây dựng đường ống dẫn khí từ lô hợp đồng phân chia sản lượng dầu khí Tuna (Indonesia) ở Biển Natuna cũng hứa hẹn cung cấp nguồn khí đốt cho Việt Nam từ những năm 2030 trở đi.
Mặc dù nhu cầu tăng cao, Việt Nam hiện chỉ tiếp xúc với thị trường khí LNG mua và giao ngay, điều này gây ra rủi ro về biến động giá và thiếu hụt nguồn cung. Các chuyên gia của Wood Mackenzie nhấn mạnh rằng việc ký kết các hợp đồng LNG dài hạn sẽ giúp Việt Nam ổn định giá cả và đảm bảo nguồn cung khí đốt cho các năm tới.
Tuy chứng kiến nhu cầu tăng cao, nhưng theo nghiên cứu của Wood Mackenzie, Việt Nam chỉ đang tiếp xúc với thị trường khí LNG mua và giao ngay, chưa ký bất kỳ hợp đồng mua bán LNG dài hạn nào, dẫn đến rủi ro về giá cả và nguy cơ thiếu hụt nguồn cung khí đốt trong tương lai.
Việc ký kết các hợp đồng dài hạn về LNG sẽ giúp Việt Nam ổn định giá cả, giảm thiểu các rủi ro liên quan đến biến động giá năng lượng. Đặc biệt, khi 14% sản lượng điện của Việt Nam dự kiến sẽ được cung cấp từ khí đốt vào năm 2030, các hợp đồng dài hạn trở nên thiết yếu để đảm bảo an ninh năng lượng.
“Việc chính phủ Việt Nam phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vào tháng 5 năm 2023 nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án điện khí LNG, hướng tới việc tăng thêm 22,4 GW công suất điện từ khí LNG vào năm 2030”, bà Yulin Li, Chuyên gia Nghiên cứu về Khí đốt & LNG tại Wood Mackenzie cho biết. Tuy nhiên, để Việt Nam tận dụng triệt để tiềm năng của khí đốt và LNG, cần có một cơ chế năng lượng chuyên biệt để tập trung vào chính sách và quy định về năng lượng. “Một khung chính sách mạnh mẽ là điều cần thiết để thu hút đầu tư vào phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt trung và hạ nguồn”, bà Li nhấn mạnh.
Việc phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt mới sẽ giảm bớt lo ngại về tình trạng thiếu khí đốt. Mạng lưới đường ống chính của Việt Nam hiện tập trung ở khu vực phía Nam, nơi có trung tâm kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Hai kho cảng khí LNG đã được xây dựng ở miền Nam Việt Nam, với cảng LNG Thị Vải đã hoạt động và cảng Hải Linh dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 9/2024. Một số công trình kho cảng LNG khác đang ở giai đoạn nghiên cứu tính khả thi và dự kiến có thể đi vào hoạt động vào đầu những năm 2030.
Theo phân tích của Wood Mackenzie, Việt Nam nên phát triển thêm quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp giải pháp có khả năng đáp ứng yêu cầu của quốc gia. Hiện nay, có nhiều nhà cung cấp uy tín đang hoạt động tại Việt Nam, trong đó có thể kể đến PETRONAS.
Petronas sản xuất khí LNG bằng cách tận dụng và cải tiến công nghệ để giảm phát thải như điện khí hóa, ngăn chặn xả thải và đốt bỏ, cũng như công nghệ thu giữ và lưu trữ carbon (CCS).