Ông Trần Thế Vĩnh – Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Tima.
“Hành lang pháp lý, các quy định chưa rõ ràng khiến những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực P2P lending như chúng tôi bị hạn chế về khả năng phát triển, không phát huy hết năng lực của mình. Đơn cử như việc tiếp cận khách hàng cho vay của chúng tôi bị giới hạn”, ông Trần Thế Vĩnh – Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Tima nói với VietnamFinance.
Đầu tháng 11, phát biểu tại Ngày hội Fintech được tổ chức ở Singapore, Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde đã gọi sự xuất hiện và trỗi dậy của công nghệ trong ngành tài chính là “cuộc cách mạng Fintech”. Bà cũng khẳng định Fintech là “luồng gió đổi thay”, mang đến nhiều cơ hội.
Tại Việt Nam, “làn gió Fintech” bùng lên mạnh mẽ từ năm 2015 khi một số công ty khởi nghiệp giới thiệu dịch vụ chuyển kiều hối về Việt Nam với chi phí chỉ 2 USD, hay đáp ứng các khoản vay tiêu dùng nhỏ mà ngân hàng thường từ chối.
Ba năm sau, vào cuối năm 2017, thị trường Fintech của Việt Nam đã cán mốc 4,4 tỷ USD và sẽ tăng lên mức 7,8 tỷ USD vào năm 2020, theo nghiên cứu của công ty tư vấn Solidiance.
Solidiance cũng ghi nhận những nỗ lực của chính phủ Việt Nam trong việc thành lập Ban chỉ đạo Fintech và đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo ra một “môi trường hỗ trợ ngày càng gia tăng” đối với các công ty Fintech.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều “chướng ngại vật” đang ngáng chân các Fintech Việt trong quá trình chạy đà nhằm bắt kịp xu thế chung của thị trường tài chính thế giới. Xoay quanh vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Thế Vĩnh – Tổng giám đốc, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Tima.
– Trong lĩnh vực cho vay ngang hàng, Tima đang gây chú ý bởi vai trò dẫn dắt trên thị trường được cho là mới mẻ. Ở thời điểm hiện tại, nếu kể ra 3 đối thủ của Tima tại Việt Nam thì đó là những cái tên nào, thưa ông?
Trong lĩnh vực cho vay ngang hàng tại Việt Nam thì Tima đang tiên phong cả về quy mô và công nghệ, đối thủ cạnh tranh của chúng tôi là các công ty hoạt động trong cùng lĩnh vực, xin phép không nêu tên cụ thể.
Khởi nghiệp từ năm 2015, đến tháng 12/2017, chúng tôi chính thức ra mắt thị trường Sàn kết nối tài chính Tima có chức năng cho vay ngang hàng đầu tiên tại Việt Nam.
Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, từ chỉ 20 nhân viên thời điểm ban đầu, đến nay số lượng nhân viên Tima đã tăng lên hơn 150 người trong đó có nhiều chuyên gia trong lĩnh vực tài chính đến từ các ngân hàng uy tín, chuyên gia công nghệ về AI, Big Data.
Tại thời điểm ra mắt Sàn Tima/ứng dụng cho vay ngang hàng Tima, năng lực xử lý của chúng tôi khoảng 2.000 đơn vay/ngày, tổng số tiền kết nối giải ngân đạt 15 nghìn tỷ đồng (xấp xỉ 700 triệu đô la Mỹ.
Đến nay năng lực xử lý của Tima đã đạt tới 4.000 đơn vay/ngày, tổng số tiền kết nối thành công đạt 53,2 nghìn tỷ (hơn 2 tỷ USD). Chúng tôi cũng đã kết nối thành công hơn 29.300 người cho vay với 2,5 triệu người có nhu cầu vay vốn trên toàn quốc, giải quyết được nhiều nhu cầu tài chính cấp thiết của người dân trong thời gian qua.
– Ban đầu, các ngân hàng tỏ ra kém nhạy bén hơn Fintech trong việc áp dụng công nghệ. Tuy nhiên, gần đây, nhiều ngân hàng cũng đã chú trọng đầu tư công nghệ, phát triển những ứng dụng của riêng mình, tận dụng những lợi thế của ngân hàng truyền thống. Vậy những công ty Fintech như Tima nên ứng xử thế nào với vấn đề này?
Ngân hàng có những lợi thế của riêng mình như được thừa hưởng hành lang pháp lý hoàn thiện, có sẵn nguồn tài chính vững mạnh, có nguồn nhân lực hùng hậu, nhưng ngược lại việc vận hành hệ thống cồng kềnh, lâu năm lại là trở ngại lớn khi muốn tập trung đổi mới công nghệ, cách thức vận hành.
Trong khi các Fintech như chúng tôi, thế mạnh lại là công nghệ. Chúng tôi sẵn sàng đương đầu, dám làm, dám thay đổi và chúng tôi cũng có cách thức vận hành rất riêng.
Vì vậy, trong cuộc chơi chung, việc ngân hàng bắt tay với Fintech là cái bắt tay win – win, đôi bên cùng có lợi, 2 bên có thể tận dụng lợi thế của nhau để cùng phát triển, góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển.
– Vậy lợi thế và thách thức hiện nay của Tima trên thị trường là gì, thưa ông?
Về lợi thế, dân số Việt Nam với hơn 96 triệu dân, trong đó khoảng 60 triệu dân số trẻ có nhu cầu tài chính cao, và đa số chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính chính thống, đây là một thị trường rất tiềm năng để phát triển lĩnh vực cho vay ngang hàng.
Mặt khác, theo thống kê, hiện có tới 72% người dân Việt Nam sử dụng điện thoại thông minh, 45% dân số sử dụng internet trên điện thoại di động, trong đó có cả khu vực nông thôn, đây là lợi thế lớn để chúng tôi phát triển mô hình cho vay ngang hàng tiếp cận được đến người dân toàn quốc.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ thông tin Việt Nam hiện đang rất phát triển, tạo điều kiện rất lớn để các doanh nghiệp Fintech như Tima ứng dụng công nghệ phát triển sản phẩm dịch vụ công nghệ cao.
Tiềm năng rất lớn của thị trường Việt Nam đã mở ra nhiều cơ hội về hợp tác đầu tư cho các doanh nghiệp hoạt động công nghệ, trong đó lĩnh vực Fintech rất được các nhà đầu tư ngoại quan tâm đầu tư, tạo tiềm lực về tài chính để doanh nghiệp như Tima phát triển.
Thách thức mà chúng tôi gặp phải là hành lang pháp lý cho lĩnh vực cho vay ngang hàng tại Việt Nam chưa hoàn thiện, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong vĩnh vực Fintech như chúng tôi chưa thể phát huy hết năng lực của mình.
Hành lang pháp lý tại Việt Nam chưa có quy định rõ ràng và cụ thể cho hoạt động cho vay ngang hàng. Trong đó cụ thể là không gian hoạt động, đối tượng khách hàng, hạn mức cho vay cũng như cơ chế quản lý, giám sát cho vay ngang hàng.
Hành lang pháp lý, các quy định chưa rõ ràng khiến các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực P2P lending như chúng tôi bị hạn chế về khả năng phát triển, không phát huy hết năng lực của mình. Đơn cử như việc tiếp cận khách hàng cho vay của chúng tôi bị giới hạn, hiện tại chúng tôi chỉ đang kết nối giữa cá nhân vay với cá nhân cho vay.
Việc cấp bách nhất là nhà nước cần ra quy định rõ ràng về cho vay ngang hàng như đã nêu trên cũng như tạo một hệ sinh thái lành mạnh để các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Fintech tận dụng thế mạnh công nghệ, đưa dịch vụ tài chính online phủ rộng khắp các vùng miền từ thành thị đến nông thôn; giúp người dân dễ dàng tiếp cận với dịch vụ tài chính phi truyền thống, góp phần phát triển tài chính toàn diện theo định hướng của chính phủ, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển.
Đơn cử như Thái Lan, Indonesia đã cho các công ty Fintech uy tín chạy thử nghiệm mô hình P2P Lending cùng với đó là các quy định pháp luật rõ ràng về không gian hoạt động, đối tượng, hạn mức cho vay…
– Về phân khúc thị trường, Tima hướng vào nhóm khách hàng nào, thưa ông?
Mô hình của Tima sử dụng Digital để tiếp cận khách hàng nên trong ngắn hạn chúng tôi tập trung vào nhóm phân khúc khách hàng trẻ, ưa thích sử dụng công nghệ và có nhu cầu vay tiêu dùng ngắn hạn.
Dân số trẻ của Việt Nam đang ở độ tuổi từ 20-35, là những người trong độ tuổi lao động và có nhu cầu về tài chính cao để phục vụ chi tiêu cho gia đình, cá nhân và cả công việc kinh doanh. Tuy nhiên, quá nửa trong số đó lại chưa tiếp cận được dịch vụ tài chính truyền thống, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ hợp tác với ngân hàng, công ty tài chính, tổ chức tín dụng, trung gian bán lẻ để đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của đông đảo khách hàng.
– Được biết, cho đến nay, Tima đã sở hữu 29 ngàn đơn vị vay trên toàn quốc với hơn 2 triệu khách hàng và 3,9 triệu hồ sơ vay trực tuyến, kết nối thành công hơn 48 ngàn tỷ đồng. Vậy, ông có thể chia sẻ về cách thức tiếp cận món vay như thế nào, thưa ông?
Để tiếp cận với khoản vay, rất đơn giản: người dùng chỉ cần truy cập vào website tima.vn hoặc tải ứng dụng Tima về smartphone, sau đó đăng nhập vào ứng dụng và thực hiện đăng ký khoản vay online theo các bước hướng dẫn.
Sau khi hệ thống của chúng tôi ghi nhận đầy đủ thông tin khoản vay của khách hàng, công nghệ AI và Big Data sẽ thực hiện phân tích dữ liệu thông tin để chấm điểm tín dụng người vay và chỉ những đơn vay đạt điều kiện mới được chuyển tới các đơn vị cho vay để xem xét phê duyệt khoản vay.
Toàn bộ quy trình xử lý trên hầu hết đã được tự động hoá nên thời gian xử lý cho các khoản vay thường rất ngắn, trung bình dưới 1 ngày.
– Một vấn đề đáng quan tâm là mối quan hệ giữa tốc độ phê duyệt tín dụng gắn với mức độ kiểm soát rủi ro, ông nói gì về vấn đề này?
Như bạn biết đấy, ngay cả trong mô hình tài chính truyền thống vẫn có rủi ro. Đối với lĩnh vực P2P Lending, rủi ro chính đến từ việc người đi vay không đủ khả năng trả nợ, dẫn đến người cho vay không thể thu hồi nợ.
Nắm bắt được vấn đề đó, chúng tôi quản trị chặt chẽ rủi ro bằng cách sử dụng hệ thống chấm điểm tín nhiệm khách vay hoàn toàn tự động dựa trên các thông tin đa chiều của khách hàng: tiểu sử bản thân, nghề nghiệp, thu nhập, nơi ở, đơn vị công tác…Từ thông tin thực khách hàng cung cấp, thông tin từ mạng xã hội, hệ thống máy học của chúng tôi sẽ phân tích, đánh giá, từ đó đưa ra mức điểm tín dụng rất chính xác.
Nếu người đi vay có điểm tín nhiệm cao thì rủi ro cho vay sẽ là rất thấp và ngược lại. Nhờ vào điểm tín nhiệm của khách vay mà người cho vay sẽ đưa ra quyết định cuối cùng có phê duyệt khoản vay hay không.
Toàn bộ quy trình từ lúc nhận đơn vay đến lúc đưa ra quyết định giải ngân của chúng tôi hoàn toàn được số hóa, nhờ đó rút ngắn thời gian xử lý đơn vay.
Bên cạnh đó, tháng 10 vừa qua, Tima đã hợp tác với Bảo hiểm Vietinbank (VBI) để triển khai dịch vụ bảo hiểm cho người vay vốn. Theo đó, khi người vay không có khả năng trả nợ thì phía bảo hiểm sẽ trả nợ thay.
– Khi gõ từ khoá “cho vay ngang hàng” trên Google, thì kết quả là một loạt tin tức xấu về sự sụp đổ hệ thống cho vay ngang hàng tại Trung Quốc. Sự cố ở Trung Quốc khiến nhiều người lo ngại về hình thức cho vay mới mẻ này. Tima cũng đang hoạt động trong lĩnh vực cho vay ngang hàng, vậy ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?
Theo tôi được biết, nguyên nhân của sự đổ vỡ của nhiều công ty P2P lending tại Trung Quốc là do họ triển khai những mô hình biến tướng như trực tiếp huy động nguồn vốn để cho vay, huy động vốn đa cấp hoặc không đầu tư nhiều cho nghiên cứu công nghệ và quản trị rủi ro dẫn tới không kiểm soát được nợ xấu. Còn mô hình cho vay ngang hàng mà chúng tôi đang triển khai được đầu tư bài bản, quản trị chặt chẽ và đảm bảo thực hiện đúng vai trò là đơn vị trung gian kết nối giữa người vay và các đơn vị cho vay.
– Theo đánh giá của ông, thị trường cho vay ở Việt Nam sẽ thay đổi thế nào trong vài năm tới, dưới tác động của công nghệ?
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hơn 1 triệu tỷ đồng (khoảng 48 tỷ USD) là tổng dư nợ trong lĩnh vực cho vay tiêu dùng tính tới cuối năm 2017, chiếm 17% tổng dự nợ của toàn ngành kinh tế, tăng gần 5 lần trong 5 năm qua. Tuy nhiên dư nợ vay tiêu dùng mới chỉ ở mức 22% so với tổng GDP, là một tỷ lệ khá thấp so với các nước cùng khu vực như Maylaisia, Thái Lan, Singapore đang ở mức 70-80%.
Tăng trưởng kinh tế ổn định và tiềm năng tiêu dùng rất lớn tại Việt Nam sẽ kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ của tín dụng tiêu dùng trong tương lai, đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực này sẽ mở ra cơ hội tiếp cận tới rất nhiều đối tượng khách hàng thậm chí ở vùng sâu vùng xa, góp phần thúc đẩy phổ cập tài chính toàn diện tại Việt nam.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!